Ngày nay, bên cạnh việc tìm kiếm những xu hướng hiện đại, nhiều bạn trẻ cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Một trong những minh chứng tiêu biểu là tạp chí Hát Bội, sản phẩm sáng tạo của Phạm Đình Hoàng Phúc, sinh viên FPT Polytechnic TP.HCM. Đây không chỉ là một bài tập học thuật trong môn “Chế bản điện tử với InDesign”, mà còn là một dự án mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Cảm hứng từ văn hóa dân tộc
Hoàng Phúc cho hay chính câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” là nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình. Qua đó, anh mong muốn tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật hát bội – một loại hình sân khấu truyền thống nổi bật nhưng đang dần bị mai một.
Hát bội mang đến những nét đặc sắc từ nhân vật, trang phục, cách trang điểm cho đến lời ca tiếng hát. Tuy nhiên, Phúc nhận thấy rằng sự phát triển của xã hội và sự lên ngôi của các thể loại giải trí hiện đại đã khiến nghệ thuật này ít được chú ý. Chính điều đó đã thôi thúc cậu bạn thực hiện tạp chí nhằm khơi dậy tình yêu và sự trân trọng đối với di sản văn hóa này.
Sự sáng tạo trong thiết kế
Tạp chí Hát bội không chỉ là một ấn phẩm mang tính thẩm mỹ cao mà còn phản ánh đúng tinh thần của nghệ thuật dân gian. Phúc đã khéo léo kết hợp các họa tiết dân gian với màu sắc tươi sáng, tạo nên bố cục gọn gàng, hài hòa. Mỗi trang tạp chí là một bức tranh sinh động, tái hiện không gian âm nhạc và nghệ thuật hát bội, giúp người đọc dễ dàng cảm nhận giá trị văn hóa lâu đời.
Bên cạnh đó, mỗi bài viết trong tạp chí đều chứa đựng sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và nét đặc trưng của hát bội. Những nghiên cứu của Phúc không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh nghệ thuật, mà còn mở ra góc nhìn mới, giúp hát bội tiếp cận gần hơn với giới trẻ hiện nay.
Niềm tự hào từ sinh viên FPT Polytechnic
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa thế giới là điều cần thiết. Tạp chí của Hoàng Phúc thể hiện tinh thần đó qua việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Phúc khẳng định: “Thay vì bắt hát bội thay đổi để theo kịp thời đại, ta có thể kết hợp và phát triển để đưa nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng”.
Sản phẩm của Hoàng Phúc là minh chứng rõ ràng cho thấy sinh viên FPT Polytechnic không chỉ chú trọng vào sáng tạo trong thiết kế đồ họa, mà còn mang trong mình trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc. Tạp chí Hát bội chính là hành trình văn hóa đầy cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào về giá trị truyền thống và thúc đẩy phong trào bảo tồn nghệ thuật dân gian trong thế hệ trẻ.
Giảng viên Nguyễn Thị Thái Bình
Bộ môn Thiết kế đồ hoạ
FPT Polytechnic TP HCM