Với chủ đề “Kiến thức chinh phục nhà tuyển dụng”, chương trình talkshow do phòng Quan hệ doanh nghiệp phối hợp cùng Bộ môn Ứng dụng phần mềm, FPT Polytechnic Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua đã nhận được nhiều quan tâm và câu hỏi từ các bạn sinh viên về việc làm, tuyển dụng, kinh nghiệm học tập và tạo dựng nghề nghiệp. Từ góc độ các chuyên gia và chính câu chuyện của khách mời, nhiều thông tin thiết thực đã được chia sẻ trong buổi trò chuyện.
Bằng cấp chỉ là một căn cứ để đánh giá ứng viên
Vai trò của bằng cấp trong xu hướng tuyển dụng hiện nay là vấn đề được sinh viên quan tâm nhất trong chương trình.
Theo anh Phan Đăng Vinh – Senior Developer, Team leader – Công ty Cổ phần Công nghệ SOTATEK Việt Nam, bằng cấp chỉ là một căn cứ để đánh giá năng lực, trong khi đó, thái độ làm việc, năng lực học hỏi, khả năng giải quyết vấn đề mới là những là yếu tố quan trọng để đánh giá về một ứng viên.
Cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng
Để đánh giá một ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc dựa trên hai yếu tố: chuyên môn và phẩm chất. Ứng viên được lựa chọn không nhất thiết là ứng viên giỏi nhất mà là ứng viên phù hợp nhất.
“Các ứng viên Công nghệ thông tin chưa có kinh nghiệm vẫn có thể tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, được đánh giá cao nếu thỏa mãn những yếu tố như: Có nền tảng tốt về lập trình; có tinh thần tốt, tò mò, ham học hỏi, thể hiện qua sự chủ động học tập thời sinh viên như có thành tích tốt, có project hay đi làm sớm…”, anh Vinh cho hay.
Với vai trò là một Team Leader tại Sotatek, từng tuyển dụng và support nhiều fresher, anh Vinh cũng chia sẻ những lỗi phổ biến mà ứng viên hay mắc phải trong như lỗi về CV, thư xin việc, trang phục đi phỏng vấn, cách giao tiếp, thái độ thể hiện trong phỏng vấn…
“Trong buổi phỏng vấn nếu bạn có thái độ kém chuyên nghiệp trong ứng xử, hời hợt với cơ hội công việc, không có mục tiêu công việc rõ ràng sẽ là yếu tố đầu tiên khiến nhà tuyển dụng đánh rớt”, khách mời nhận định.
Cũng theo khách mời, để có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, ứng viên cần chuyên nghiệp trong quá trình tuyển dụng; cần có nghiên cứu về công ty và vị trí ứng tuyển, biết cách đặt câu hỏi ngược lại, thể hiện rõ quyết tâm và mong muốn của bản thân.
Dọn đường cho công việc tốt
Từ kinh nghiệm của bản thân, thầy Nguyễn Hoàng Tiến – Chủ nhiệm bộ môn Ứng dụng phần mềm đưa ra lời khuyên “nên học cách tự học”, rèn luyện ngoại ngữ, đọc nhiều sách và học hỏi từ những người đi trước để có thể đạt mục tiêu mình đề ra.
Với câu hỏi làm thế nào để tìm được công việc phù hợp, thầy Tiến tư vấn: “Có hai thứ để tìm được việc phù hợp: từ cái mình muốn và từ cái mình cố gắng. Cái mình muốn thì sẽ định hướng mình tìm môi trường phù hợp theo một tiêu chí gì đó. Nhưng thường không có môi trường nào hoàn hảo, bạn sẽ yêu công việc khi bạn nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn, cản trở, để đạt một thành tựu, một cột mốc mà các bạn cảm thấy mãn nguyện”.
Mong rằng những chia sẻ trong chương trình đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên, đặc biệt là những bạn chuẩn bị bước vào kỳ thực tập Spring 2025. Ban tổ chức tin tưởng rằng với những kinh nghiệm đã tích lũy được, các bạn sẽ có đủ tự tin để chinh phục các nhà tuyển dụng trong tương lai.
Phòng QHDN FPT Polytechnic Hà Nội