Tại buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra vào 20/3 vừa qua với chủ đề “Chọn việc làm hay chọn bằng cấp”, chuyên gia, nhà tuyển dụng uy tín trong ngành đã chia sẻ những góc nhìn thú vị về giá trị của tấm bằng trong thời đại hiện nay.
Đặc biệt, trong buổi tọa đàm lần này có sự góp mặt của những vị khách mời với profile cực kì ấn tượng, là những cái tên đã thu hút ít nhiều sự chú ý của các bạn trẻ như: thầy Vũ Chí Thành – Hiệu trưởng trường Cao đẳng FPT Polytechnic, chị Ngô Thị Ngọc Lan – Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search, anh Phùng Thái Học – Chủ Quán Trà Đá, Admin Tâm Sự Con Sen, Founder & CEO TAT Academy và anh Duy Muối – CEO & Founder DC Media, Cựu sinh viên FPT Polytechnic.
Bên cạnh những màn tranh biện hết sức hấp dẫn đến từ hai vị khách mời dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục & nhân sự là thầy Vũ Chí Thành và chị Ngô Thị Ngọc Lan, sự xuất hiện của hai chuyên gia trẻ nhưng đã có sự nghiệp vô cùng thành công là anh Phùng Thái Học – Admin của group Tâm sự con sen sở hữu hơn 462K thành viên và Tiktok-er Duy “Muối” – chủ nhân của hàng loạt clip triệu view cũng đã cung cấp thêm nhiều quan điểm và nhận định “đắt giá” về chủ đề chính của buổi tọa đàm.
“Bằng cấp là nền tảng cho tầm nhìn xa trông rộng”
Từng theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Học viện Ngân hàng với lý do không tưởng là vì “gần nhà”, anh Thái Học chia sẻ câu chuyện về thời sinh viên “éo le”: “Tuy học ngành Quản trị kinh doanh là bất đắc dĩ và thậm chí chính ngành học còn bị xã hội cho là vô lý, thế nhưng sau khi trải qua quá trình làm thuê, làm kinh doanh rồi làm chủ, tôi nhận ra những kiến thức mình được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường đều là những tri thức vô cùng có giá trị”.
Hơn hết, giữ vững lập trường là người đánh giá cao vai trò của bằng cấp sau nhiều năm cọ xát ở các vị trí, anh Học một lần nữa khẳng định quan điểm: “Nếu được lựa chọn, tôi chắc chắn vẫn sẽ lựa chọn con đường dành ra 4 năm học Đại học, và thậm chí học tốt hơn, đam mê hơn so với 4 năm học trước đây”.
Có thể nói với anh Thái Học, Đại học trên thực tế không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công như ở hiện tại. Dẫu vậy, nhờ việc xây dựng nền tảng từ những kiến thức căn bản trong quá trình học Đại học sẽ trở thành chìa khóa then chốt để chúng ta phát triển tầm nhìn, tư duy một cách bao quát hơn.
Ủng hộ trải nghiệm trong trường, đừng quan trọng bằng Đại học hay Cao đẳng
Tương đồng nhưng cũng trái ngược đôi chút với anh Thái Học, Duy “Muối” – nhân vật lại rẽ sang hướng khác khi lựa chọn theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Cao đẳng bởi nguyên nhân giới hạn về điểm số và định hướng của cha mẹ. Mặc dù quá trình học không mấy dễ dàng và đã phải rất nỗ lực để ra trường, tìm kiếm việc làm phù hợp, kết quả mà anh có được ngày hôm nay phần lớn đều nhờ những trải nghiệm tích lũy được xuyên suốt thời gian ấy.
Giải thích về điều này, Duy “Muối” cho biết: “Nếu không ở trong trường, em sẽ chẳng có cơ hội để phát hiện những kỹ năng, sở thích của mình. Vậy nên, em cho rằng dù học 2 năm hay 4 năm thì chúng ta cũng nên thử trải nghiệm trong trường, an toàn nhưng vẫn đủ cho bản thân va chạm ở những cấp độ thấp nhất”.
Bên cạnh đó, đứng trước tranh cãi giữa việc nên học Đại học hay Cao đẳng và định kiến “Bỏ công bỏ sức thi thì học Cao đẳng làm gì”, Duy “Muối” cũng bày tỏ suy nghĩ: “Đối với cá nhân em, em sẽ chọn học tại Cao đẳng để có thêm thời gian trải nghiệm, Có thể một phần do cách em học, nhưng em sẽ ưu tiên 5 năm đó chia ra 2 năm đi học, 3 năm trải nghiệm ở các doanh nghiệp. Và thực chất ngay trong chính trường hợp của em, khi học xong Cao đẳng thì em đã dành ra 2 năm đi Nhật Bản để tiếp cận thêm một nền văn hóa khác. Từ góc độ đánh giá của em, việc đó sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Tổng kết lại về lựa chọn giữa Cao đẳng hay Đại học, anh Thái Học nhận định điều đó còn phụ thuộc lớn vào tài chính và thời gian của từng người. “Nếu như bạn là một người có gia đình hậu thuẫn, sẵn sàng chờ đợi bạn trưởng thành thì học Đại học sẽ đem tới rất nhiều cơ hội, nhất là ở việc giúp bạn trau dồi những kiến thức căn bản. Tuy nhiên, Cao đẳng cũng vẫn có thể là lựa chọn tốt cho những người cần đi kiếm tiền sớm để lo cho gia đình” – anh Thái Học cho biết.
Không thể phủ nhận sự thật, bằng cấp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thời đại hiện nay và có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của chúng ta trong tương lai. Tuy nhiên, trước khi quyết định chọn bằng cấp, mỗi người cần phải cân nhắc cẩn thận, suy nghĩ kỹ càng về sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi cũng như những kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu đó để lựa chọn môi trường phù hợp.