Lấy ý tưởng từ kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, từ những câu chuyện kinh dị, kỳ bí, các bạn sinh viên thực hiện dự án thiết kế boardgame “Kì quái ngũ hành me”. Nhóm đã có một bước đi bứt phá và mang lại ấn tượng sâu sắc cho hội đồng bảo vệ cũng như những người quan tâm đến văn hóa, trò chơi và truyện kinh dị dân gian. Cùng tìm hiểu bài của nhóm nhé!
Là một sản phẩm của Dự án tốt nghiệp 2023 vừa qua, nhóm “Kỳ quái ngũ hành me” gồm 7 thành viên, bao gồm:
- Huỳnh Kiều Anh
- Tạ Gia Bảo
- Lê Chí Cường
- Phan Lê Hoàng Oanh
- Lý Hoàng Phong
- Nguyễn Thị Kim Thảo
- Nguyễn Thị Quế Trân
giải mã về tên gọi “Kỳ quái ngũ hành me”, nhóm chia sẻ “Kỳ quái” có nghĩa là những câu chuyện kỳ lạ trong dân gian, truyền kỳ, truyện ma quỷ được lưu truyền và kể lại. “Ngũ hành” gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, ngũ hành tương sinh tương khắc, gắn liền với bản mệnh. “Me” được nói lái từ “ma” trong ma quỷ dân gian Việt Nam, được kể lại qua nhiều câu chuyện khác nhau.
Bộ Boardgame lấy ý tưởng chính từ bộ trò chơi ma sói, một trò chơi nổi tiếng và thử thách, nhóm đã tạo ra một bộ doardgame chủ đề truyện ma kinh dị đậm chất Việt Nam. Cốt truyện của trò chơi dựa trên các câu chuyện truyền kỳ, kỳ quái, truyện ma dân gian được lưu truyền và kể lại từ nhiều đời, qua nhiều thế hệ như Lệ quỷ, quỷ Xương Cuồng, quỷ Nhập Tràng,…
Về lí do lựa chọn chủ đề này, nhóm chia sẻ rằng truyện ma dân gian là một phần của văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam và của một vài đồng bào thiểu số khác ở nhiều vùng miền. Nhóm quyết định thực hiện dự án này như một cách để khám phá và tìm hiểu những giá trị văn hóa, tâm linh của nông thôn thời xưa.
Ngoài ra nhóm kết hợp thêm ngũ hành, là một yếu tố gắn liền với bản mệnh, nêu lên những tính cách riêng của từng người, từng số mệnh để tạo nên nét mới lạ trong lối chơi và lối dẫn chuyện, bởi ngũ hành cũng là một khía cạnh mà người Việt Nam quan tâm rất nhiều và vận dụng nhiều trong đời sống tinh thần. Quy tắc chung của trò chơi tùy thuộc vào cách mà người chơi sáng tạo ra cách chơi của riêng mình, giúp trò chơi mới lạ và phong phú hơn.
Trong suốt quá trình làm việc, nhóm đã gặp không ít khó khăn và trở ngại như bất đồng quan điểm, trao đổi thông tin kém hiệu quả và vấn đề in ấn. Bởi mỗi người đều có điểm mạnh và yếu riêng, tuy nhiên mỗi thành viên trong nhóm đều không ngừng bổ sung kiến thức và giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết vấn đề chung và hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời, khi bất đồng quan điểm mỗi thành viên đều biết cách hạ cái tôi xuống để ngồi lại cùng nhau bàn cách giải quyết.
Từ đó, nhóm nhận thấy rằng suốt khoảng thời gian làm việc và gắn bó cùng nhau, nhóm đã trải qua nhiều thăng trầm và giải quyết những khó khăn chung. Đặc biệt, với thái độ ham học hỏi, khả năng đồng cảm và nhờ sự giúp đỡ từ phía giảng viên thì nhóm đã hoàn thành dự án một cách xuất sắc.
Chia sẻ về nhóm dự án tốt nghiệp mà mình đã gắn bó, giảng viên hướng dẫn cô Phạm Bảo Trân cho biết: “Cô rất đánh giá cao tinh thần nghiên cứu về văn hóa của các bạn, đồng thời còn là sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng. Các bạn không chỉ thể hiện, minh họa được những câu chuyện kỳ bí trong dân gian mà còn vận dụng yếu tố ngũ hành để sáng tạo nên cách chơi mới đầy ấn tượng”.
Bộ boardgame “Kì quái ngũ hành me” là sản phẩm đầu tiên và tâm huyết của cả nhóm, với mong muốn đem lại những phút giây giải trí nhờ kết hợp với yếu tố nhập vai giải đố mang âm hưởng dân gian, xen lẫn cái hiện đại và cái cổ xưa.
Cùng thưởng thức TVC truyền thông của boardgame “Kỳ quái ngũ hành me” nhé!
Có thể thấy rằng dự án boardgame “Kì quái ngũ hành me” ra đời hy vọng mang đến cho người chơi một cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn. Game còn là sự kết hợp yếu tố vừa học vừa chơi game nhập vai giải đố. Nhờ vậy, người chơi không chỉ được trải nghiệm được sự vui vẻ, logic mà qua đó còn được mở rộng thế giới quan về những câu chuyện ma quỷ dân gian được ông cha ta truyền miệng từ xưa đến nay.
Dự án tốt nghiệp này cũng chứng tỏ năng lực của các bạn sinh viên sau quãng thời gian học tập tại FPT Polytechnic. Với sự đánh giá cao từ hội đồng dự án tốt nghiệp, các bạn cũng thêm phần tự tin để bước chân vào thị trường lao động sau tốt nghiệp.
Giảng viên Phan Thị Thiên Hương
Bộ môn Thiết kế đồ họa
FPT Polytechnic Cần Thơ