Thực hành cắt gọt kim loại là một trong những dự án thực tế quan trọng tại các xưởng thực hành ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên làm quen với các loại máy móc hiện đại như máy tiện và máy phay vạn năng, mà còn giúp các Ong trau dồi kỹ năng cần thiết để bước vào môi trường làm việc thực tế sau khi ra trường.
Tại xưởng thực hành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, sinh viên FPT Polytechnic Cần Thơ được chia thành các nhóm nhỏ từ 3 đến 5 người, tuỳ thuộc vào số lượng máy có sẵn tại xưởng thực hành. Mỗi buổi thực hành sẽ có từ 2 đến 4 nhóm cùng tham gia, đảm bảo mỗi nhóm đều có cơ hội tiếp xúc với máy móc và rèn luyện tay nghề.
Trước khi bắt đầu quá trình thực hành, các nhóm sinh viên sẽ thảo luận và xác định chi tiết cụ thể cần gia công. Đây có thể là các chi tiết máy đơn giản hoặc phức tạp, tuỳ thuộc vào cấp độ kiến thức và khả năng của từng sinh viên.
Để có thể thực hiện tốt quá trình gia công, trước khi bắt tay vào thực hiện, sinh viên phải chuẩn bị kỹ càng các thiết bị và dụng cụ cần thiết, bao gồm cả dao tiện, mũi khoan, thước đo và các dụng cụ khác. Việc chuẩn bị kỹ càng giúp đảm bảo quy trình thực hành diễn ra suôn sẻ và an toàn.
Tiếp đến, sinh viên sẽ tiến hành thực hành trên các máy móc như máy tiện vạn năng và máy phay vạn năng. Bên cạnh đó, các kỹ thuật nguội như mài dao, dũa, taro, khoan, và đục cũng được ôn luyện để đảm bảo sinh viên nắm vững toàn bộ quy trình gia công.
Sau khi hoàn thành công việc gia công, nhóm sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá chi tiết đã được gia công. Cuối cùng, tất cả dụng cụ và máy móc sẽ được vệ sinh sạch sẽ và sắp xếp gọn gàng vào đúng nơi quy định.
Thực hành trên máy tiện và máy phay không chỉ giúp các Ong nhà F nắm vững lý thuyết, mà còn rèn luyện kỹ năng thực tế, yếu tố quan trọng khi bước vào môi trường làm việc. Bên cạnh đó, làm việc trong nhóm nhỏ sẽ giúp sinh viên học cách phối hợp, chia sẻ công việc và trách nhiệm, từ đó phát triển kỹ năng làm việc nhóm – một yếu tố không thể thiếu trong ngành công nghiệp kỹ thuật. Ngoài việc học cách vận hành máy, sinh viên còn được ôn luyện và nâng cao các kỹ năng cắt gọt, mài dao, khoan lỗ, và các công việc cơ bản khác, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.
Tóm lại, một trong những điểm mạnh của dự án là sinh viên có cơ hội tạo ra các sản phẩm thực tế từ quá trình thực hành. Điều này không chỉ giúp sinh viên tự hào về thành quả của mình mà còn giúp hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất trong lĩnh vực bản thân đang theo đuổi.
Giảng viên Sơn Hoàng Dũng
Bộ môn Điện – Cơ khí
FPT Polytechnic Cần Thơ