Ngoài việc giảng dạy, cung cấp kiến thức pháp luật cho sinh viên, bộ môn Cơ bản trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ luôn nỗ lực tìm giải pháp để sinh viên vừa yêu thích, vừa có thể vận dụng được các kỹ năng đã học để áp dụng vào môn học Pháp luật đại cương, từ đó giúp pháp luật trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn với thực tiễn.
Hòa chung xu thế phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ngày nay, yêu cầu đặt ra đối với chất lượng của nguồn lao động ngày càng khắt khe và sự cạnh tranh về năng lực cũng như tỷ lệ đào thải nhân sự của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực ngày càng khốc liệt. Đây là một hồi chuông báo động về chất lượng giáo dục của các cơ sở đào tạo trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường lao động.
Việc tạo ra một thế hệ có đầy đủ tiềm lực về cả kiến thức lẫn kỹ năng là vấn đề rất quan trọng, nếu chỉ chú trọng đào tạo về các môn chuyên ngành mà quên đi việc giáo dục kỹ năng mềm cũng như các môn học đại cương, đó chính là một lỗ hổng vô cùng lớn trong hầu hết các chương trình đào tạo ở Việt Nam.
Thấy được vấn đề trên, FPT Polytechnic Cần Thơ rất chú trọng việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên nói chung và các học phần chính trị, pháp luật nói riêng. Điều đặc biệt ở đây là các giảng viên bộ môn Cơ bản luôn tư duy, sáng tạo để tạo sự kết nối, tạo nhiều cơ hội để sinh viên vận dụng được các kỹ năng đã học ở năm nhất vào các học phần đại cương trong đó phải kể đến học phần pháp luật.
Trong giờ học Pháp luật đại cương, sinh viên FPT Polytechnic Cần Thơ được vận dụng các kỹ năng đã học ở học phần Kỹ năng học tập như: kỹ năng sắp xếp, quản lý thời gian trong việc tự học online tại nhà; kỹ năng quản lý cảm xúc cá nhân trong quá trình làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình tự tin; kỹ năng lắng nghe khi tham gia tập thể lớp trong quá trình tiếp nhận các yêu cầu môn học, các thông báo của thầy cô và nhà trường…
Điều này đã giúp sinh viên tăng khả năng tiếp thu kiến thức một cách chủ động, phát triển năng lực nghiên cứu, đào sâu và hiểu rõ nội dung môn học. Ngược lại, việc thực hành thường xuyên các kỹ năng đã giúp sinh viên có được những tố chất cần thiết, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu mà xã hội đặt ra về năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm, thích nghi được với sự biến động của thị trường lao động.
Việc vận dụng các kỹ năng học tập vào môn Pháp luật đại cương được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp sinh viên học tốt và đạt được những yêu cầu đặt ra trong học phần pháp luật. Bởi lẽ, việc học pháp luật không đơn thuần là việc sinh viên ghi nhớ kiến thức một cách thụ động, mà đòi hỏi sinh viên sau khi kết thúc học phần phải hiểu và nắm bắt vấn đề một cách linh hoạt, biết vận dụng pháp luật vào trong đời sống thực tế, biết sử dụng pháp luật làm thước đo hành vi, cách xử sự của mình trong đời sống cộng đồng.
Bạn Nguyễn Hoàng Phiên, sinh viên lớp Pháp luật VIE1026.08 chia sẻ: “Việc lồng ghép rèn luyện kỹ năng trong học phần pháp luật giúp cho mình có thêm động lực trong quá trình học tập và nghiên cứu. Không còn những giờ học thụ động, chúng mình có thể tự chủ động tìm hiểu và nghiên cứu các kiến thức pháp luật theo sự hướng dẫn của giảng viên, được thuyết trình tự tin, được truyền đạt kiến thức pháp luật cho tập thể lớp – đây là điều bản thân mình cảm thấy rất hào hứng khi học pháp luật đại cương.
Theo mình, môn học pháp luật là một học phần quan trọng trong bất kỳ một lĩnh vực đào tạo nào. Vì chỉ khi, chúng ta nắm vững được kiến thức pháp luật thì khi tham gia vào thị trường lao động và hòa nhập với cộng đồng chúng ta mới có những cách ứng xử đúng đắn trong khuôn khổ của pháp luật, cũng như có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của chính mình”.
Việc học tập có hiệu quả học phần pháp luật chính là yếu tố cốt lõi giúp sinh viên dễ dàng nắm bắt được những cơ hội phát triển trong tương lai và là công cụ để các em bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, việc lồng ghép rèn luyện các kỹ năng trong môn học là điều kiện thúc đẩy sự phát triển tính chủ động ở mỗi sinh viên, tăng cường phát huy khả năng xử lý tình huống, linh hoạt và thích nghi trước những quy luật đào thải khắc nghiệt của thị trường lao động.
Để đạt được điều đó, nhà trường và tập thể giảng viên luôn nỗ lực tìm mọi giải pháp, tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện chất lượng đào tạo, nhất là ứng dụng những hình thức và phương pháp giảng dạy tiên tiến, để sinh viên có thể phát triển một cách toàn diện về kiến thức lẫn kỹ năng, tạo dựng một hành trang vững chắc sau khi sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo tại trường. Đây chính là đáp án cho câu hỏi: Tại sao sinh viên FPT Polytechnic Cần Thơ lại thích học pháp luật đại cương đến thế?
Giảng viên Nguyễn Mộng Cầm
Bộ môn Cơ bản
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ