Bắt đầu là một lập trình viên, tuy nhiên, chàng trai Nguyễn Trung Hiếu lại lựa chọn “quay xe” để ứng tuyển vị trí giảng viên chuyên ngành Lập trình game tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Tây Nguyên. Điều gì đã khiến anh chàng đưa ra quyết định này?
Nguyễn Trung Hiếu (SN 2000) hiện tại đang là giảng viên chuyên ngành Lập trình game tại FPT Polytechnic Tây Nguyên. Là gương mặt giảng viên trẻ tuổi nhất tại trường, Nguyễn Trung Hiếu có thể sẽ khiến nhiều người nghi hoặc về trình độ, tuổi nghề. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được vị trí này, Trung Hiếu đã mất rất nhiều thời gian, công sức.
“Trót yêu” FPT Education
Trung Hiếu xuất phát là sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm tại trường Đại học FPT Đà Nẵng. Trong quãng thời gian học tập tại trường, Trung Hiếu đã “trót yêu” văn hóa, tinh thần của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Education – FE) thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa. Vì vậy, anh chàng đã phá bỏ hình tượng “trai IT khô khan” bằng việc làm CTV Tuyển sinh, phòng PDP (Phát triển cá nhân), tham gia trong đội ngũ BTC các sự kiện lớn, nhỏ của trường THPT FPT Đà Nẵng.
Trung Hiếu chia sẻ: “Khi còn là sinh viên Đại học FPT Đà Nẵng, mình đã được tiếp xúc với cách làm việc, học tập cũng như các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa của nhà trường nói riêng và FE nói chung. Mình rất thích tinh thần năng động, luôn tạo sự hào hứng cho sinh viên của nhà trường. Giảng viên luôn có sự tương tác thân thiện với học trò, không hề có khoảng cách chút nào!”.
Hành trình “theo đuổi” FPT Polytechnic Tây Nguyên
Với mong muốn luôn luôn hòa nhập, được sống trong bầu không khí năng động này, sau khi tốt nghiệp, Trung Hiếu đã đặt mục tiêu trở thành giảng viên tại FPT Polytechnic Tây Nguyên. Tuy học tại Đà Nẵng, nhưng Tây Nguyên mới chính là mảnh đất mà Trung Hiếu đã lớn lên, sinh sống cùng gia đình. Một phần cũng vì muốn được làm việc gần nhà, Trung Hiếu lại càng quyết tâm để “apply” vào nhà Ong.
“Mình đã biết đến FPT Polytechnic khi còn là sinh viên Đại học FPT. Thông qua tìm hiểu, mình rất ấn tượng với các hoạt động của FPT Polytechnic, văn hóa tổ chức, đào tạo cho tới các hoạt động, sự kiện lớn nhỏ. Khi biết nhà Ong có cơ sở tại Tây Nguyên, gần nhà mình, mình đã không ngần ngại “apply” ngay”, Trung Hiếu kể.
Tuy nhiên, quá trình “chinh phục trái tim” nhà Ong không phải dễ dàng. Có kiến thức, kỹ năng chuyên môn của một lập trình viên game nhưng không có kinh nghiệm giảng dạy, buổi demo đầu khiến Trung Hiếu sai sót rất nhiều.
Tuy nhiên, với tinh thần không bỏ cuộc, quyết tâm chinh phục của người nhà F, Trung Hiếu không tiêu cực mà luôn học hỏi, chuẩn bị bài giảng kỹ hơn ở hai buổi sau. Sau 6 tháng và 3 buổi dạy thử, Trung Hiếu đã “theo đuổi” thành công nhà Ong và chính thức trở thành giảng viên chuyên ngành Lập trình game tại trường.
“Trong 6 tháng và 3 buổi dạy thử, mình đã tự nhủ phải cố gắng hết sức, học hỏi từ những “tiền bối” thật nhiều chứ không phải là tiêu cực, bỏ cuộc. Vì vậy, khi nhận được thông báo đã trúng tuyển, mình rất vui và thấy tự hào về bản thân”, Trung Hiếu cho biết.
Những kỉ niệm “dở khóc dở cười” trong những ngày đầu trên giảng đường
Là gương mặt giảng viên trẻ tuổi nhất tại FPT Polytechnic Tây Nguyên, Trung Hiếu tự nhận bản thân còn non nớt so với những đồng nghiệp có tuổi nghề lâu năm. Vì vậy, trong những ngày đầu đứng trên bục giảng, chàng giáo viên cũng có vô số khoảnh khắc “dở khóc dở cười”, có thể kể đến như: không biết xưng hô ra sao vì sinh viên bằng thậm chí hơn tuổi, đôi khi giảng bài nhưng sinh viên không hiểu,…
“Kỉ niệm thì sao kể hết được. Nhưng mình ngại nhất là khi nhiều bạn sinh viên bằng hoặc hơn tuổi mình, khiến mình không biết xưng hô thế nào cho đúng nữa. Rồi cả việc giảng bài, đôi khi giảng mà sinh viên không hiểu, nên mình phải tìm ra cách giảng mới để các bạn tiếp thu tốt hơn”, chàng giảng viên hoài niệm.
Quyết định trở thành một giảng viên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trung Hiếu đôi khi đã phải tự hỏi liệu bản thân có đủ đam mê và nhiệt huyết hay đủ kiến thức, trình độ để có thể đứng trên giảng đường hay chưa. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các “lão làng” tại nhà Ong và sự cố gắng của bản thân, sau hơn nửa năm đi dạy, Trung Hiếu đã dần quen với công việc và có những giờ học truyền cảm hứng hơn.
Vượt qua cả một hành trình đầy thử thách để “chinh phục trái tim” của FPT Polytechnic Tây Nguyên, cho đến hiện tại, Nguyễn Trung Hiếu đã trở thành giảng viên trên giảng đường của nhà Ong một cách tràn đầy cảm hứng, nhiệt huyết. Mong rằng, chàng giảng viên gen Z sẽ tiếp tục vững bước trên con đường làm thầy của mình, mang đến những bài giảng sáng tạo, trẻ trung tới sinh viên!
Phòng QHDN FPT Polytechnic Tây Nguyên