Viết CV là một kỹ năng không thể thiếu trong hành trình tìm kiếm việc làm của mỗi người. Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên mới ra trường, việc có một CV ấn tượng không chỉ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.
Hãy cùng sinh viên FPT Polytechnic khám phá những tips “hô biến” CV thành “bùa yêu” khiến nhà tuyển dụng “mê mẩn” ngay từ cái nhìn đầu tiên nhé!
- Tiêu đề và thông tin cá nhân: “Đầu voi đuôi chuột” không phải phong cách của bạn!
Tiêu đề CV và thông tin cá nhân là phần đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn thấy. Hãy chắc chắn rằng bạn đã viết rõ ràng, chính xác tên, địa chỉ, số điện thoại và email. Nhưng đừng dừng lại ở đó! Hãy thêm một chút sáng tạo bằng cách sử dụng các biểu tượng nhỏ hoặc màu sắc để làm nổi bật phần này. Ví dụ:
Nguyễn Văn A
📞 0123456789
🏠 Đường ABC, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Nếu bạn có trang LinkedIn hoặc portfolio online, đừng ngần ngại thêm thông tin vào. Điều này không chỉ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng tiếp cận thông tin của bạn mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp.
Có rất nhiều bạn thắc mắc liệu có nên cho ảnh vào CV. Thông thường, trong CV trước đây, hầu hết các ứng viên đều đưa ảnh dưới dạng ảnh thẻ chụp gần nhất, cho dù có yêu cầu hay không. Tuy nhiên, với sự phát triển về kỹ thuật số về nhận diện khuôn mặt và các kỹ thuật edit hình ảnh thì nó cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị thật của ảnh cũng như sự an toàn của cá nhân ứng viên nên cũng có một số yêu cầu và một số doanh nghiệp Global cũng không yêu cầu về điều này. Sau đây là một số gợi ý dành cho các ứng viên:
- Ngành nghề yêu cầu: Một số ngành như truyền thông, thiết kế, marketing, hoặc các công việc liên quan đến giao tiếp khách hàng thường yêu cầu ảnh trong CV.
- Ứng tuyển quốc tế: Ở một số quốc gia, việc có ảnh trong CV là tiêu chuẩn (ví dụ như các nước châu Âu). Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác như Mỹ, việc đính kèm ảnh có thể bị coi là không chuyên nghiệp và thậm chí gây ra các vấn đề về phân biệt đối xử.
- Ứng tuyển vị trí yêu cầu hình ảnh: Nếu bạn ứng tuyển vào các vị trí mà hình ảnh cá nhân có thể đóng vai trò quan trọng (như người mẫu, diễn viên, dẫn chương trình), việc thêm ảnh là cần thiết.
Bên cạnh đó, có một số ngành nghề cũng không yêu cầu là như ngành nghề, công việc có ảnh trong CV không bắt buộc và có thể không được đánh giá cao hoặc nếu nhà tuyển dụng yêu cầu không đính kèm ảnh, bạn nên tuân thủ hướng dẫn này. Ngoài ra, trong một số tình huống, việc không đính kèm ảnh giúp tránh tình trạng phân biệt đối xử.
Nhưng nếu bạn quyết định thêm ảnh vào CV, hãy chú ý đến phong cách ảnh. Dưới đây là một số gợi ý nhé:
- Chuyên nghiệp: Hãy chọn một bức ảnh chuyên nghiệp. Bạn nên mặc trang phục lịch sự, phù hợp với ngành nghề và vị trí ứng tuyển.
- Chất lượng cao: Đảm bảo ảnh có độ phân giải cao, rõ nét và sáng sủa. Tránh các bức ảnh mờ, tối hoặc không rõ mặt.
- Biểu cảm tự nhiên: Hãy cười nhẹ nhàng và tạo dáng tự nhiên. Tránh các biểu cảm gượng gạo hoặc quá cứng nhắc.
- Phông nền đơn giản: Chọn phông nền đơn giản, không quá rườm rà để tập trung vào khuôn mặt bạn. Phông nền trắng hoặc màu trơn là lựa chọn an toàn.
- Cập nhật ảnh mới: Đảm bảo rằng ảnh của bạn là ảnh mới nhất, phản ánh đúng ngoại hình hiện tại của bạn.
- Trang phục: Áo sơ mi, áo vest hoặc trang phục công sở.
- Phông nền: Màu trắng hoặc màu trơn.
- Biểu cảm: Cười nhẹ nhàng, tự nhiên.
Chèn ảnh cho các ngành sáng tạo theo mô tả:
- Trang phục: Có thể chọn trang phục thể hiện cá tính nhưng vẫn lịch sự.
- Phông nền: Có thể sử dụng phông nền sáng tạo nhưng không làm mất tập trung vào khuôn mặt.
- Biểu cảm: Tự nhiên, thể hiện sự sáng tạo và năng động.
- Giới thiệu bản thân thế nào để “đốn tim” nhà tuyển dụng?
Phần tóm tắt bản thân là cơ hội để bạn giới thiệu ngắn gọn về mình và lý do tại sao bạn là ứng viên phù hợp. Hãy viết một đoạn văn ngắn gọn, súc tích, và thật “chất”.
Ví dụ:
“Sinh viên ngành Kinh tế với niềm đam mê trong lĩnh vực Marketing, có kinh nghiệm thực tập tại công ty ABC. Tôi tự tin với kỹ năng sáng tạo và khả năng làm việc nhóm, sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới.”
Vậy làm thế nào để “khớp” với yêu cầu nhà tuyển dụng và “đốn tim” rất đơn giản các bạn chỉ cần nghiên cứu thật kỹ Thông báo tuyển dụng để xem họ cần gì? Và nếu cái họ cần là cái bạn có thì “hợp rồi”, giờ hãy viết ra các ngôn từ đó để “KHỚP LỆNH” và bắt đầu yêu nào.
- Kinh nghiệm làm việc: Đừng chỉ liệt kê, hãy kể chuyện
Thay vì chỉ liệt kê các công việc bạn đã làm, hãy biến phần này thành những câu chuyện hấp dẫn. Mỗi công việc nên được mô tả với những thành tựu cụ thể và kỹ năng bạn đã học được.
Ví dụ:
Công ty ABC – Thực tập sinh Marketing
Tháng 6/2023 – Tháng 8/2023
- Tăng 20% lượt tương tác trên trang Facebook của công ty trong 3 tháng nhờ vào các chiến dịch quảng cáo sáng tạo.
- Thiết kế và triển khai các kế hoạch truyền thông, hợp tác với nhóm để đạt được mục tiêu đề ra.
Hoặc với các bạn chưa từng làm thực tập sinh thì hãy áp dụng cách sau đây để viết về kinh nghiệm dự án.
Ví dụ: Dự án Nến thơm
Thời gian: 3/2024 – 5/2024
Quy mô: nhóm/cá nhân
- Xây dựng kế hoạch truyền thông;
- Thiết kế và triển khai kế hoạch truyền thông trên Facebook ads
- Tạo ra 1000 lượt tương tác trên trang Facebook trong thời điểm mở chiến dịch quảng cáo
Đặc biệt, khi nói về kinh nghiệm làm việc, dự án của mình, hãy tham khảo một số bí kíp dưới đây để có một sự trình bày ổn và chuyên nghiệp nhất!
- Xem trong phần mô tả công việc của Thông báo tuyển dụng, và xem phần mô tả đó có công việc nào mà bạn đã từng làm và làm rất tốt và thành tựu thì hãy viết giống họ viết vào CV
- Sử dụng cụm từ chỉ hành động để miêu tả
- Sử dụng mốc thời gian khi trình bày kinh nghiệm từ gần đến xa
- Không đưa kinh nghiệm không liên quan đến vị trí mình ứng tuyển
- “Vũ khí” trong CV chính là Kỹ năng
Phần kỹ năng là nơi bạn có thể “khoe” những gì bạn giỏi. Đừng ngần ngại liệt kê các kỹ năng mềm và cứng mà bạn sở hữu. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn có thể chứng minh được những kỹ năng này trong thực tế và nó là của bạn, bạn rất tự tin cũng như tự hào về nó nhé!
Các bạn chỉ cần bắt đầu bằng từ khoá chỉ mức độ sử dụng các kỹ năng, đặc biệt muốn biến thành “vũ khí” hãy nghiên cứu thật kỹ mục YÊU CẦU ỨNG VIÊN của nhà tuyển dụng. Nếu có yêu cầu hoặc ưu tiên mà bạn đã có thì hãy viết giống cách họ viết, viết một cách trung thực nhất.
Ví dụ:
- Kỹ năng giao tiếp: Đã từng làm MC cho các sự kiện của trường, tự tin thuyết trình trước đám đông.
- Kỹ năng quản lý thời gian: Thường xuyên hoàn thành các dự án trước thời hạn.
- Photoshop và Illustrator: Thành thạo thiết kế poster, banner cho các sự kiện.
- Học vấn: Chưa có kinh nghiệm không phải là vấn đề lớn
Phần học vấn đặc biệt quan trọng với các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Sinh viên FPT Polytechnic với phương châm “Thực học, thực nghiệp” nên có khá nhiều đặc sản để thể hiện trong CV của mình với bảng điểm đẹp. Nếu điểm trung bình của bạn chưa cao thì hãy sử dụng điểm số của môn học mà bạn giỏi nhất nhưng phải nhớ nguyên tắc điểm môn học phải là điểm môn thể hiện được chuyên môn liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển!
Ví dụ:
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic
Chuyên ngành: Marketing (2019 – 2023)
Điểm trung bình: …
Hoặc bạn có khoá học lấy chứng chỉ thì có thể bổ sung thêm nhé!
- Hoạt động ngoại khóa: Điểm cộng tuyệt vời
Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên có tham gia các hoạt động ngoại khóa, bởi nó thể hiện sự năng động và kỹ năng làm việc nhóm. Hãy liệt kê những hoạt động bạn đã tham gia và vai trò của bạn trong đó.
Sinh viên FPT Polytechnic có quá nhiều lợi thế vì đã từng tham gia hàng loạt dự án, câu lạc bộ, hoạt động từ thiện, hoạt động rèn luyện kỷ luật, sức khoẻ…
Ví dụ:
CLB Phát triển bản thân
Thành viên (2020 – 2022)
- Tổ chức và tham gia các chương trình ngoại khoá của sinh viên trong trường.
- Chứng chỉ và Giải thưởng: Đừng bỏ qua chi tiết nhỏ này
Các chứng chỉ và giải thưởng sẽ giúp bạn “ghi điểm” thêm trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy liệt kê các chứng chỉ liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ:
- Chứng chỉ Google Analytics
- Giải Nhất cuộc thi Poly bar
- Ong vàng
- Nhất môn
- Tối ưu hóa CV cho ATS: Bạn có biết nhà tuyển dụng dùng “robot” để quét CV?
Hãy chắc chắn rằng CV của bạn thân thiện với hệ thống theo dõi ứng viên (ATS). Hãy đọc kỹ mô tả công việc và bao gồm các từ khóa quan trọng trong CV của bạn. Đảm bảo rằng các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn được mô tả rõ ràng và phù hợp với yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng mong muốn nhé. Đừng sử dụng các thang đo, tránh các định dạng phức tạp và sử dụng phông chữ đơn giản cùng với định dạng File CV là PDF trừ trường hợp nhà tuyển dụng có yêu cầu khác.
- Thiết kế CV: Đừng làm quá nhưng cũng đừng qua loa
Thiết kế CV cũng quan trọng không kém gì nội dung. Hãy chọn một mẫu CV sạch sẽ, dễ đọc nhưng cũng thể hiện được phong cách cá nhân của bạn. Nếu bạn không giỏi thiết kế, hãy sử dụng các mẫu có sẵn trên các trang web như Canva hoặc Google Docs hoặc các bạn có thể tham khảo trên các trang: Adobe Express Resume Templates; Zety Resume Builder; Visme Resume Templates; Wix Resume Templates; ….
- Kiểm tra và chỉnh sửa: Đừng xem thường bước cuối cùng!
Sau khi hoàn thành CV, hãy dành thời gian kiểm tra lại lỗi chính tả và ngữ pháp, dấu câu, cỡ chữ, kiểu chữ, bố cụ trình bày cân đối chưa. Các ứng viên thể nhờ bạn bè hoặc người thân đọc lại để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ lỗi nào.
Viết CV không phải là việc dễ dàng, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một chút sáng tạo, bạn hoàn toàn có thể tạo ra một CV ấn tượng. Đừng quên rằng CV chỉ là công cụ để bạn giới thiệu bản thân, điều quan trọng nhất vẫn là bạn tự tin và sẵn sàng thể hiện những gì tốt nhất của mình trước nhà tuyển dụng, và đặc biệt ở vòng dấu mặt này là giai đoạn chuẩn bị để tiến đến vòng đối mặt trọn vẹn và hoan hỉ nha các bạn, hãy nhớ rằng muốn ra trận trăm trận trăm thắng thì các bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng và không chuẩn bị nghĩa là chuẩn bị cho sự thất bại. Chúc các bạn sinh viên thành công và sớm tìm được công việc mơ ước!
Giảng viên Mai Thị Thanh Nga
Bộ môn Cơ bản
FPT Polytechnic Hà Nội