Trên mỗi tiết học Tiếng Anh ở Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, các bạn sinh viên được thoải mái thử sức mình ở mọi vai trò trong lớp học: lớp trưởng, nhóm trưởng, diễn viên, ca sĩ, hoạ sĩ, phục vụ bàn, v.v. Nhưng ít ai biết, sinh viên nhà Ong Vàng còn được trao cơ hội trở thành Giảng viên trong chính lớp học của mình.
Với tiêu chí tối ưu hoá trải nghiệm của người học bằng các hoạt động thực hành thiết thực, các lớp học Tiếng Anh tại FPT Polytechnic Hà Nội được tổ chức với nhiều mô hình hoạt động khác nhau nhằm thúc đẩy tính tự chủ và tích cực của sinh viên trong việc học.Trong số các mô hình học tập tích cực, học thông qua thực hành dạy (learning by teaching) là một hoạt động ưa thích của sinh viên FPT Polytechnic Hà Nội.
Theo đó, cả lớp được chia thành các nhóm từ 5-6 sinh viên, mỗi nhóm phụ trách một bài học. Sau khi nhận chủ đề của mình, các nhóm chủ động xem bài giảng trên hệ thống CMS, rồi cùng nhau nghiên cứu thật kĩ các kiến thức và kĩ năng cần luyện tập. Các thành viên đã có rất nhiều buổi thảo luận và tập dượt cùng cả nhóm và giảng viên để chuẩn bị cho màn “lên bục giảng” trong buổi học kế tiếp.
Sinh viên FPT Polytechnic Hà Nội sáng tạo với nhiều hoạt động học tập khác nhau để ôn tập từ vựng như “Vẽ tranh đoán từ” (Pictionary), “Đuổi hình bắt chữ” (Charade), hay “Kể chuyện qua tranh” (Photo story).
Bên cạnh đó, các bạn “giảng viên tập sự” còn chủ động tham khảo ý kiến giảng viên và tự tìm tòi thêm rất nhiều các trang web tổ chức các trò chơi online thi đấu giữa các cá nhân, các cặp hay các nhóm như: baamboozle, quizizz, blooket, wordwall,… Không những thế, các “giảng viên” còn tự thiết kế các câu hỏi thảo luận, hay các phiếu bài tập online hoặc bài tập giấy, để giúp cả lớp ôn tập kiến thức đã học.
Các sinh viên lần đầu tập làm giảng viên, còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng vô cùng, nhưng đã quyết tâm chuẩn bị bài giảng thật tốt, thiết kế slide thật ấn tượng và luyện tập thật chăm chỉ cho buổi giảng tập. Kết quả là nhóm nào cũng hoàn thành bài giảng của mình, nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các bạn và mang đến nhiều tiếng cười, niềm vui cho giờ học của mình.
Khi kết thúc giờ dạy, các bạn đều cảm thấy công việc dạy học thật vất vả và không hề dễ dàng, nhưng mỗi “giảng viên” đều thấy vui sướng và hạnh phúc sau khi kết thúc bài giảng của mình vì đã mang lại niềm vui và kiến thức cho “học trò” của mình. Hơn thế, các bạn sinh viên đều cảm thấy khi chuẩn bị kiến thức để dạy học cho người khác, các bạn ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn và nắm chắc kiến thức hơn.
Tóm lại, phương pháp học thông qua thực hành dạy (learning by teaching) là một cách thức hiệu quả giúp các bạn sinh viên dễ dàng ghi nhớ và hiểu sâu kiến thức hơn. Cùng thử áp dụng cách thức này vào việc học Tiếng Anh và các môn học khác để việc học tập được hiệu quả hơn nha!
Giảng viên Nguyễn Thị Thuý Hạnh
Bộ môn Tiếng Anh
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Hà Nội