Trong bối cảnh xã hội hiện đại với việc phát triển nhanh chóng của công nghệ số, dường như mối quan hệ giữa người với người đang dần có khoảng cách hơn. Đặc biệt, khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên nơi giảng đường lại càng xa cách hơn bởi có những lúc chưa kịp thấu hiểu nhau. Thấu hiểu điều đó, bộ môn Thiết kế Đồ họa FPT Polytechnic Hà Nội kết hợp với bộ môn Cơ bản đã tổ chức Talkshow “Kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu sinh viên”.
Talkshow “Kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu sinh viên” có sự tham gia của đông đảo giảng viên bộ môn Thiết kế Đồ họa ngành dọc FPT Polytechnic các cơ sở: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Chuyên ngành Phổ thông Cao đẳng. Với sự dẫn dắt của diễn giả Trang Nguyễn – Trưởng môn Phát triển cá nhân, talkshow mang đến nhiều nội dung thiết thực và ý nghĩa, góp phần nâng cao mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên, tạo dựng môi trường học tập hiệu quả và nhân văn hơn.
Kỹ năng giao tiếp – “chìa khóa” mở ra sự gắn kết nơi giảng đường
Ngành Đồ họa là một ngành học đặc thù và nặng kiến thức cũng như kỹ năng. Những công cụ chính xác đến khô khan, tư duy hình ảnh không phải ai cũng nắm bắt được hay kinh nghiệm làm nghề không khỏi khiến những sinh viên lo lắng, áp lực và đôi khi là quá tải.
Theo giảng viên Lưu Thị Hiền – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế Đồ họa FPT Polytechnic Hà Nội chia sẻ: “Trong kỹ năng giao tiếp, việc lắng nghe là điều cực kỳ quan trọng. Là những giảng viên, giao tiếp với sinh viên là điều kiện tiên quyết nhất để phát triển tâm lý là hình thành nhân cách của mỗi con người. Trong những cuộc trò chuyện dù ngắn hay dài, cần có sự tôn trọng, thiện chí và bao dung trong giao tiếp với đồng nghiệp và sinh viên. Để từ đó, chúng ta có được sự thấu hiểu, đồng cảm và cùng nhau phát triển hơn nơi giảng đường”.
Thấu hiểu sinh viên – kết nối để cùng nhau phát triển
Việc phải giảng dạy công cụ và định hướng cho rất nhiều sinh viên cũng sẽ khiến cho thầy cô phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ, vậy nên cũng không thể tránh khỏi sự cứng nhắc, xung đột bên cạnh nhiều yếu tố khách quan khác.
Và khi giảng đường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức – đó còn là nơi để giảng viên và sinh viên cùng nhau kết nối, thấu hiểu nhau và tạo nên những kỷ niệm đẹp trong những tháng năm thanh xuân.
“Một người thầy trung bình chỉ biết nói, một người thầy giỏi thì biết giải thích. Một người thầy xuất chúng thì biết minh họa, một người thầy vĩ đại có thể truyền cảm hứng. Truyền cảm hứng ở đây là thay đổi một con người, mang lại cảm xúc tích cực cho họ và trao cho họ tình yêu thương”. Đó là những lời chia sẻ từ diễn giả Trang Nguyễn về tầm quan trọng của việc kết nối giữa giảng viên và sinh viên. Kiến thức và chuyên môn là điều tối quan trọng, yếu tố đánh giá năng lực của một giảng viên, một nhà giáo.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đôi khi, giữa nhịp sống hối hả, ta vô tình quên đi giá trị cốt lõi của mối quan hệ thầy trò. Vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, đó còn là sự kết nối về tâm hồn, sự thấu hiểu và đồng hành trên con đường chinh phục tri thức.
Thông qua talkshow, các giảng viên cũng đúc rút cho mình nhiều bài học từ những chia sẻ, những câu chuyện thực tế của diễn giả. Việc nghiêm khắc và chỉn chu là điều cần thiết, nhưng đôi khi, thầy cô hãy mềm mỏng tùy vào bối cảnh cũng như tùy từng trường hợp của sinh viên. “Khen ngợi hành vi cụ thể và gọi tên phẩm chất mà hành vi đó biểu hiện”, “Phê bình hành vi, tránh chỉ trích con người”, “Phê bình có lợi, mang tính xây dựng với nguyên tắc bánh kẹp (Khen – Chê – Khen)”… là những nguyên tắc mà thầy cô có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy và làm việc với sinh viên – để những giờ học là những kỷ niệm đáng nhớ, gắn kết với thời thanh xuân tươi đẹp trong mỗi chúng ta.
Thầy Lê Trung Kiên – Bộ môn Thiết kế đồ họa cũng chia sẻ thêm: “Những chia sẻ của cô Trang hôm nay rất hay, có thể ứng dụng cho việc giảng dạy và cả trong cuộc sống nữa. Hôm nay, tôi đã được học những tiêu chuẩn đúng đắn để mình có thể áp dụng vào việc chăm sóc sinh viên tốt hơn, chăm sóc con cái trong gia đình nữa. Rất cảm ơn diễn giả về buổi chia sẻ rất bổ ích này”.
Gieo hạt lành – Nhận yêu thương
Văn hóa dạy học nhân văn là sự tôn trọng, thấu hiểu và quan tâm đến sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển toàn diện. Talkshow “Kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu sinh viên” đã nhận được sự đánh giá cao từ phía giảng viên tại nhiều cơ sở. Những kiến thức và kinh nghiệm quý báu, những chia sẻ tận tình từ cô Trang Nguyễn cùng những trải lòng của các thầy cô đã giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập; để từ đó tạo ra một môi trường học tập an toàn, tin tưởng lẫn nhau và phát triển bản thân một cách toàn diện.
Giảng viên Nguyễn Thị Vân Anh
Bộ môn Thiết kế đồ họa
FPT Polytechnic Hà Nội