Ngày 17/7, các bạn sinh viên ngành CNTT FPT Polytechnic Hà Nội đã được các giảng viên bộ môn trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực tế về nghề Kiểm thử phần mềm – Tester tại workshop “Tester cơ bản đến chuyên sâu”. Buổi chia sẻ thu hút hơn 100 bạn sinh viên tham dự.
Workshop “Tester cơ bản đến chuyên sâu” được tổ chức bởi bộ môn CNTT FPT Polytechnic Hà Nội với mong muốn mang đến cho các bạn sinh viên cái nhìn bao quát về nghề Kiểm thử phần mềm –Tester cũng như giúp định hướng và trang bị những kiến thức, kỹ năng cần có cho nghề Tester. Workshop có sự tham gia chia sẻ của 4 giảng viên bộ môn CNTT nhà trường: Cô Nguyễn Thị Thùy, cô Nguyễn Thị Hồng, thầy Đỗ Bảo Linh và cô Chu Thị Thùy Linh.
Mục lục
Tester là gì?
Theo các giảng viên, Tester là người kiểm tra chất lượng phần mềm, phát hiện ra lỗi sai hay bất cứ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng của phần mềm. Tester phải đảm bảo sản phẩm phần mềm đến tay khách hàng với mức rủi ro thấp nhất.
Tester sẽ có rất nhiều nhiệm vụ khi kiểm tra chất lượng phần mềm như:
- Tìm kiếm các lỗi của hệ thống phần mềm;
- Trực tiếp thẩm định, xác minh xem hệ thống phần mềm này có đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu nghiệp vụ hay không;
- Hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng tối đa những yêu cầu đặt ra của khách hàng cả về mặt số lượng lẫn chất lượng;
- Thiết kế, phát triển và thực hiện các kịch bản kiểm thử;
- Sử dụng các công cụ và phương pháp kiểm thử phù hợp để đánh giá chất lượng sản phẩm;
- Phối·hợp với các nhóm phát triển để hiểu rõ yêu cầu và thông số kỹ thuật của sản phẩm;
- Ghi chép và báo cáo tất cả các lỗi và sự cố tìm thấy trong quá trình kiểm thử;
- Đề xuất các giải pháp để giải quyết hoặc khắc phục lỗi.
Tầm quan trọng của người kiểm thử
Cũng theo các giảng viên, Tester có một vai trò vô cùng quan trọng. Tester sẽ đảm bảo rằng sản phẩm hoặc ứng dụng phần mềm không có lỗi, hoạt động mượt mà và đáp ứng tất cả yêu cầu của người dùng, phối hợp với các bên liên quan khác như các nhóm phát triển, quản lý sản phẩm, và nhóm hỗ trợ khách hàng để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, tester cũng sẽ hỗ trợ tư vấn, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm và quá trình kiểm thử, Hiểu sản phẩm cần được kiểm tra cũng như lập kế hoạch chiến lược thử nghiệm, để thực hiện các thử nghiệm và tìm ra các vấn đề tiềm ẩn.
Trong kế hoạch, Tester sẽ phân tích ưu và nhược điểm của kế hoạch cụ thể, cũng như rủi ro liên quan đến từng thành phần và giao diện trong sản phẩm, Check lại các code cần kiểm tra, làm việc với các tập lệnh và công cụ tự động hóa và phải luôn cập nhật các khía cạnh kỹ thuật của cơ sở hạ tầng dự án (ví dụ: trình duyệt, cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ, v.v.) cũng như phân tích, ghi nhận về các vấn đề và cung cấp phản hồi thích hợp.
Sẽ thế nào khi vận dụng tốt vai trò của Tester?
Hiệu quả về chi phí là một trong những lợi thế quan trọng của Tester. Kiểm tra bất kỳ dự án CNTT nào đúng thời hạn sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền của mình trong dài hạn. Trong trường hợp nếu các lỗi được phát hiện trong giai đoạn testing trước đó, thì chi phí sửa chữa sẽ thấp hơn.
Về bảo mật, đây là lợi ích nhạy cảm và dễ bị tấn công nhất của Tester. Mọi người đang tìm kiếm các sản phẩm đáng tin cậy, Tester giúp loại bỏ rủi ro và vấn đề khác.
Chất lượng sản phẩm cũng là yêu cầu thiết yếu của bất kỳ sản phẩm phần mềm nào. Việc sử dụng Tester sẽ đảm bảo một sản phẩm chất lượng được cung cấp đến tay khách hàng.
Không thể thiếu được chính là sự hài lòng của khách hàng. Mục đích chính của bất kỳ sản phẩm nào là mang lại sự hài lòng cho khách hàng của họ. Vì thế nên kiểm tra UI/UX đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt nhất.
Con đường phát triển của một Tester
Bước khởi đầu
Công việc của Tester khá đặc biệt, đòi hỏi “thực chiến” rất cao. Vì thế cho nên bất cứ ai đang ở vạch xuất phát, không có nhiều kinh nghiệm đều mong muốn trở thành “Junior Tester” và làm việc như một “thực tập sinh” hoặc là “học viên”.
Khi bạn ở trình độ này, kinh nghiệm chưa cao và kỹ năng chuyên môn cũng ở mức thấp, chẳng có doanh nghiệp nào có thể trả lương Tester cho bạn như những “lão làng” của nghề này.
Giai đoạn tích lũy kinh nghiệm
Cấp độ tiếp theo trong công việc của tester, đó là “Mid Tester”. Mid Tester thường có 2 – 4 năm kinh nghiệm kiểm thử. Trách nhiệm của họ bao gồm:
- Thực thi kiểm thử
- Báo cáo lỗi
- Thiết kế/tạo các trường hợp thử nghiệm hoàn chỉnh
- Tham gia càng ngày càng nhiều vào các hoạt động đảm bảochất lượng khác.
Tiếp theo, là trở thành “SeniorTester”. SeniorTester sẽ có 3-10 năm kinh nghiệm kiểm thử. Có thể chuyên về kiểm thử các ứng dụng được tạo ra cho một số ngành như tài chính, y tế, công nghệ,… khá đa dạng và linh hoạt.
Trở thành tư vấn QA
Khi tester đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm thử hơn, họ có thể đi vào các chuyên ngành sâu hơn và trở thành các nhà tư vấn.
Các nhà tư vấn QA sẽ sẽ xác định các vấn đề, từ đó đưa ra các đề xuất cải tiến cho dự án, khắc phục các lỗi và đưa ra con đường tối ưu nhất. Đảm nhiệm công việc hướng dẫn cách sử dụng các công cụ hoặc là giải thích về quy trình cũng như phương pháp thực thi phần mềm.
Test Leader/Test Manager
Test Leader hoặc Test Manager (người quản lý Tester) là vô cùng quan trọng trong mỗi doanh nghiệp công nghệ. Trách nhiệm của họ là:
- Lên kế hoạch công việc
- Phân chia công việc cụ thể cho từng nhân viên
- Quản lý tiến độ và thực hiện một vài công việc khác
Test Automator/Technical Tester
Khi học thật sâu về lập trình, mỗi Tester đều có thể chịu trách nhiệm về các công việc có tính kỹ thuật hơn trong nghề tester. Doanh nghiệp sẽ tìm kiếm những người giúp cho việc tự động hóa các trường hợp kiểm thử lặp lại. Vị trí này yêu cầu tester cần có kiến thức sâu và rộng về hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, máy chủ…Đây là một hướng phát triển đáng để xem xét trong sự nghiệp trở thành người kiểm thử chuyên nghiệp.
Làm thế nào để trở thành một Tester chuyên nghiệp?
Tại workshop, các giảng viên đã nêu ra hai yếu tố quan trọng để trở thành Tester chuyên nghiệp: Technical Skills (kỹ năng chuyên ngành) và Non-Technical Skills (kỹ năng mềm).
Technical Skills
- Vòng đời phát triển hệ thống
- Quy trình kiểm thử
- Hiểu biết các công cụ và công nghệ kiểm thử
- Kiến thức cơ bản về Database/SQL
- Kiến thức cơ bản về lập trình (không bắt buộc)
Non-Technical Skills
- Kỹ năng phân tích
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Làm việc chủ động
Buổi workshop đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về nghề Tester cũng như lộ trình phát triển của nghề và các kỹ năng cần có của một Tester chuyên nghiệp. Mong rằng, sau khi được lắng nghe những chia sẻ từ các giảng viên, các bạn sinh viên sẽ có thêm nhiều góc nhìn về nghề nghiệp tương lai hơn!
Giảng viên Chu Thị Thùy Linh
Bộ môn Ứng dụng phần mềm
FPT Polytechnic Hà Nội