Giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên là quá trình tác động vào đối tượng giáo dục bằng cách giải thích, tuyên truyền những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam…nhằm giúp cho sinh viên nắm vững được những kiến thức cơ bản đó, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào con đường đi lên CNXH. Giáo dục ý thức chính trị giúp hình thành và nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, hướng dẫn đối tượng giáo dục biết vận dụng những hiểu biết ấy vào thực tiễn.
Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt mà bản chất của nó là truyền đạt, lĩnh hội những kiến thức và kinh nghiệm của các thế hệ loài người. Dưới góc độ triết học, giáo dục được xem là một quá trình hai mặt, một mặt là sự tác động từ bên ngoài vào đối tượng giáo dục, mặt khác là thông qua sự tác động này làm cho đối tượng tự biến đổi bản thân mình, tự hoàn thiện, tự nâng mình lên qua giáo dục.
Xét về thực chất, giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên hiện nay chính là
Thứ nhất, tăng cường giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên thông qua giảng dạy các môn học, đặc biệt là các môn Lý luận chính trị. Giáo dục ý thức chính trị là giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng cho sinh viên, tạo cho sinh viên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây là một quá trình mang đặc điểm của nhận thức chính trị, đòi hỏi sinh viên tích cực tham gia học tập, rèn luyện trong môi trường đào tạo tại nhà trường để nâng cao nhận thức của mình.
Thứ hai, giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên hiện nay được thể hiện ở những tiêu chí về nhận thức chính trị, tình cảm, niềm tin ý chí chính trị và sự phát triển ấy được thông qua hành vi chính trị của họ.
- Về nhận thức chính trị: Giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên nhằm làm cho sinh viên có trình độ cao về nhận thức chính trị, tức là phải có tri thức ngày càng sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sơ đó có khả năng phân tích tổng hợp, khái quát thành các quan điểm chính trị, thành tư tưởng chính trị của mình.
- Về tình cảm, niềm tin, ý chí chính trị: Niềm tin chính trị là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy và quy định mức độ khám phá, hiểu biết về chính trị bởi nó trực tiếp quy định hành động chính trị của mỗi người. Từ đó nâng cao ý thức chính trị và biến thành ý chí, thành hành động thực tiễn chính trị của sinh viên, thể hiện ở sự quyết tâm, lòng kiên trì vượt khó, đó cũng là sự độc lập, sáng tạo, nhạy bén trong việc tìm ra những giải pháp tối ưu để đạt kết quả học tập tốt.
- Về hành vi chính trị: Hành vi chính trị của sinh viên là những cử chỉ, lời nói, thái độ, hành động của sinh viên thể hiện sự ứng xử của họ trong các mối quan hệ chính trị xã hội nhất định, phản ánh một trình độ nhất định ý thức chính trị của họ.
Thứ ba, giáo dục cho sinh viên có được lòng tự hào dân tộc, niềm tin, ý chí bản lĩnh kiên cường và tầm nhận thức sâu rộng trước những âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ lý tưởng cao đẹp của mình.
Thứ tư, giáo dục các giá trị đạo đức, lý tưởng, lối sống cách mạng cho sinh viên, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách con người mới XHCN, con người phát triển toàn diện.
Thông qua giáo dục ý thức chính trị, sinh viên sẽ được trang bị những tri thức xã hội và nhân văn cơ bản, giúp họ nâng cao tình cảm, ý chí và đạo đức cách mạng; từ đó hiểu được sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng ta, có ý thức tự giác tham gia các phong trào chính trị – xã hội do Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên phát động; tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức đồng thời xác định được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người” của đất nước. Đây cũng chính là mục tiêu giáo dục và đào tạo con người của nước ta hiện nay là những con người được phát triển toàn diện, vừa có đức vừa có tài đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giảng viên Võ Thị Thanh Lan
Bộ môn Cơ bản
FPT Polytechnic Cần Thơ