TikTok – một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ người dùng – được mệnh danh “Đế chế” Social Media mới, “Startup giá trị nhất thế giới” chỉ sau vài năm ra đời. Vậy bằng cách nào mà chỉ trong một thời gian ngắn ứng dụng này gặt hái được thành công vang dội đến thế?
Mục lục
Tiktok – “em út” đình đám của gia đình mạng xã hội toàn cầu
Ban đầu Douyin (tiền thân của TikTok toàn cầu bây giờ) được đưa vào thị trường ứng dụng của Trung Quốc tháng 9 năm 2016 bởi công ty mẹ Bytedance và đã đạt được 100 triệu người dùng trong một năm. Đúng một năm sau đó, TikTok, phiên bản quốc tế, được phát hành (tháng 9 năm 2017) sau khi Bytedance mua lại một công ty khởi nghiệp chia sẻ video, Musical.ly. Trong khi đấy, Douyin vẫn giữ nguyên tên như lúc ra mắt ở riêng thị trường Trung Quốc.
Hiện tại, Tiktok đã có mặt ở 150 quốc gia, hoạt động bằng 39 ngôn ngữ thông qua Google Play và App Store. Và đến năm 2022 này, TikTok đã trở thành một trong những nền tảng chiếm lĩnh thị trường – đứng thứ 6 sau Facebook, Youtube, Whatsaap, Instagram và ứng dụng “mẹ” Douyin (theo số liệu Hootsuite, 1/2022). Trong khi Facebook và Instagram đã mất gần một thập kỷ để có được lượng người dùng lớn thì TikTok chỉ mất hơn 4 năm để đạt được con số người dùng khủng, 1 tỷ người như hiện tại.
Xếp hạng các nền tảng ứng dụng Social có nhiều người dùng trên thế giới – theo Hootsuite
Những con số biết nói ấn tượng của “đế chế” TikTok
– TikTok có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng và đã được tải xuống hơn 3 tỷ lần và là ứng dụng đầu tiên bên ngoài Facebook đạt được con số này.
– TikTok hiện đang là ứng dụng truyền thông xã hội hấp dẫn nhất, đã tăng 1157,76% trên tổng người dùng toàn cầu từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 7 năm 2020. Trong khi Mỹ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người dùng cao nhất 787,86% cùng kỳ thì Ấn Độ lại là là quốc gia đóng góp đáng kể nhất cho số lượt cài đặt TikTok (hơn 611 triệu lượt tải xuống).
– TikTok creator (những người sáng tạo nội dung) có tới 100 triệu người theo dõi và kiếm được tới 5 triệu đô la mỗi năm.
– Trong số 4,8 tỷ người dùng internet trên toàn thế giới thì có 20,83% sử dụng TikTok. Trong số 4,48 tỷ người dùng mạng xã hội tích cực có đến 22,32% sử dụng TikTok thường xuyên.
Giải mã lý do thành công của Tiktok
Không phải giản đơn mà Bytedance gặt hái được nhiều thành công như vậy cùng ứng dụng sáng tạo nội dung video – Tiktok. Đầu tiên, Tiktok đã xác định và tiếp cận rất đúng khách hàng mục tiêu của mình – những bạn trẻ Gen Z, những người có các đặc điểm chung như: bắt trend nhanh, sử dụng đa dạng mạng xã hội, thích thể hiện cá tính bản thân, sống không thể thiếu “smartphone”, thích du lịch, đam mê thời trang, làm đẹp, ăn uống, quan tâm tới các vấn đề xã hội và môi trường… Và từ việc hiểu được khách hàng mục tiêu, Tiktok đã tìm ra được lối đi riêng cho mình.
Tạo ra sản phẩm “đánh đúng” Insight của giới trẻ
“Thích xem lười đọc” và không có tính kiên nhẫn – những tâm lý chung của thế hệ Z mà Tiktok đã nhận ra và “chuyển hoá” vào sản phẩm của mình, bằng việc xây dựng ứng dụng dựa trên format làm video ngắn 15s – 30s tiết kiệm thời gian đáng kể, những viral clip khiến giới trẻ thỏa sức sáng tạo nội dung, những đoạn text khô khan từ đó dần đã được lược bỏ đi thay vào đấy là những clip đem lại sự thư giãn và thoải mái.
Tiktok cũng hiểu rằng giới trẻ là những đối tượng bắt kịp những xu hướng rất nhanh, vô cùng sáng tạo và không ngần ngại thử thách bản thân, tự tin khẳng định cá tính của mình. Từ đó, TikTok xây dựng rất nhiều xu hướng như video hài hước, meme (các biểu tượng vui) hay những clip hát nhép chèn thêm hành động ngộ nghĩnh.
Tiktok – sản phẩm “đánh đúng” Insight của giới trẻ
Cá nhân hoá người dùng thông qua sử dụng AI
Một trong những xu hướng Marketing mà các doanh nghiệp hiện nay hầu hết đang hướng đến đó là “Marketing cá nhân hoá”, và Tiktok cũng không phải ngoại lệ, thậm chí “đế chế mới” này còn khai thác yếu tố “cá nhân hoá” cực kì tốt và hiệu quả.
Tiktok đã sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) cùng những thuật toán để xác định được những nội dung, những video xuất hiện tiếp theo trên ứng dụng của từng khách hàng dựa trên những hành vi mà người dùng đó đã xem ở quá khứ, khiến họ thích thú và cứ thế tiếp tục “bị cuốn” vào những video, những nội dung tiếp sau. Bên cạnh đó phải kể đến việc tích hợp vô số hiệu ứng đặc biệt cùng âm nhạc và sticker bằng công nghệ AI giúp cho việc sáng tạo nội dung sống động và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Một điểm khác biệt không thể không kể đến, Tiktok đã khiến cho người người nhà nhà đều có thể trở thành Content Creator (nhà sáng tạo nội dung) và Video Producer/Editor (nhà sản xuất video) rất dễ dàng và thuận tiện – điều mà trước đây chính bản thân người dùng chưa từng nghĩ tới. Chính vì những giá trị vô hình mà “cá nhân hoá” mang lại đã làm cho người dùng ngày càng gắn kết và sống không thể thiếu Tiktok.
Tiktok – ứng dụng cá nhân hoá người dùng
Chiến lược phát triển địa phương hoá để tiến ra toàn cầu
Không chỉ dừng ở “cá nhân hoá” người dùng, Tiktok còn nghiên cứu và nắm bắt được xu hướng của từng địa phương, từng khu vực, từng quốc gia khác nhau. Tiktok luôn cập nhật tin tức ở từng “địa phương” và hướng người dùng sáng tạo ra những nội dung cùng chủ đề ở cùng khu vực, quốc gia với nhau.
Ví dụ, ở các nước châu Âu người dùng khá hứng thú với những chủ đề liên quan thể dục, thể thao mạo hiểm; trong khi Hàn Quốc & Nhật Bản người dùng thường quan tâm đến các chủ đề như nhảy múa hay các anh chàng, cô nàng dễ thương, cuốn hút…
Chiến lược cộng sinh, “đứng trên vai người khổng lồ”
Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Tiktok đã rất khôn ngoan trong việc cộng sinh, đứng trên vai các “anh lớn” đi trước như Facebook, Youtube, Instagram,… và cả cộng sinh với các ứng dụng “địa phương” ở từng quốc gia như Weibo (Trung Quốc), Zalo (Việt Nam), Line (Hàn Quốc, Thái Lan),…
Cụ thể chính là tính năng cho phép người dùng chia sẻ và phát thẳng các video nội dung Tiktok trên các kênh mạng xã hội/ứng dụng này – một chiến lược truyền thông thương hiệu và gia tăng người dùng mới hữu hiệu của Tiktok suốt thời gian qua.
Chính nhờ chiến lược cộng sinh, “đứng trên vai người khổng lồ” hiệu quả như vậy, Tiktok dần mở rộng thị phần và chễm chệ đứng ngang hàng cùng các “anh lớn” của mình.
Có thể nói, dù sinh sau đẻ muộn hơn các ứng dụng Social Media khác như Youtube, Facebook, Instagram… nhưng Tiktok đã gặt hái được nhiều thành công, tạo dựng cho mình một “đế chế” mà bao đối thủ mơ ước. Chia sẻ thêm về kênh mạng xã hội Tiktok, giảng viên Trang Lê Hà Nam, bộ môn Kinh tế tại Cao đẳng FPT Đà Nẵng cho biết: “Tiktok là một nền tảng tiềm năng, thành công nhờ những định hướng tài tình, những chiến lược, cụ thể, hiệu quả để từng bước Tiktok tiếp cận và chiến thắng người dùng. Tương lai phía trước sẽ không biết có bao nhiêu ứng dụng tiềm năng được phát triển và chiếm lĩnh người dùng nhưng tin chắc với tầm nhìn của mình, với những cải tiến phù hợp, Tiktok sẽ vẫn sẽ một “đế chế” hùng mạnh mà các đối thủ khác khó lòng xô ngã được.”
Giảng viên Trang Lê Hà Nam
Bộ môn Kinh tế – FPT Polytechnic Đà Nẵng
Bài viết có tham khảo thông tin số liệu từ các nguồn Hootsuite, Cafebiz, BrandsVietnam.