Thuê nhà trọ – phòng trọ là mối quan tâm của rất nhiều sinh viên xa quê đến thành phố khác để học tập. Tuy nhiên, xuất phát từ vị trí yếu thế của sinh viên nên các bạn luôn là bên chịu thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp với chủ nhà trọ, thậm chí bị lừa tiền. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản mà các bạn cần lưu ý khi ký hợp đồng thuê nhà trọ để hạn chế rủi ro không đáng có.
Lưu ý trước khi ký Hợp đồng thuê nhà trọ
Trên thực tế, trước khi lựa chọn được căn nhà trọ phù hợp và quyết định ký Hợp đồng, các bạn sẽ đi xem nhà, đồng thời trao đổi với chủ nhà về các thông tin cơ bản, một vài trường hợp chủ nhà sẽ yêu cầu các bạn đặt cọc một khoản tiền trước khi ký Hợp đồng chính thức. Ở bước này cần lưu ý những vấn đề sau:
- Xác định người cung cấp thông tin, dắt các bạn đi xem nhà trọ chính là chủ nhà/ người được chủ nhà uỷ quyền.
- Hỏi rõ giá thuê, thời hạn thanh toán, đặt cọc và những khoản phí cần thanh toán trong quá trình thuê nhà trọ (Ví dụ: giá thuê đã bao gồm chi phí gửi xư, wifi, tiền rác,… hay chưa), tiền điện và nước thanh toán theo đồng hồ hay sẽ tính cố định? Ngoài những khoản phí cơ bản thì có bất cứ phí nào khác hay không?
- Hỏi rõ những thiết bị/đồ dùng có sẵn trong nhà trọ, khi phát sinh hư hỏng thì ai có trách nhiệm chịu phí sửa chữa?
- Nếu cần đặt cọc 1 khoản tiền “giữ chỗ” trước khi ký Hợp đồng thuê, thì khoản tiền này sẽ được xử lý như thế nào? (Ví dụ: khấu trừ vào tiền thuê/tiền đặt cọc khi ký Hợp đồng, trường hợp nào bị mất cọc?…)
(*) Quy định về đặt cọc khi thuê trọ
- Theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau: “Đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm việc thực hiện việc thuê”
- Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc trả, mất cọc thuê trọ như sau:
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;
- Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Ví dụ: Trường hợp A thuê trọ của B và đặt cọc 1 triệu đồng thì:
- Trường hợp ký kết hợp đồng: 1 triệu đồng đặt cọc sẽ được trả lại hoặc trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền trọ;
- Trường hợp người thuê từ chối việc ký hợp đồng thuê trọ thì sẽ mất 01 triệu đồng tiền cọc;
- Trường hợp người cho thuê từ chối việc ký hợp đồng thuê trọ thì phải trả 01 triệu đồng tiền cọc và trả 01 khoản tiền tương đương tiền cọc là 01 triệu đồng
🡪 Giấy đặt cọc giữ phòng phải ghi đầy đủ, chi tiết, rõ ràng các thông tin mức phí, giá cả để tới ngày ký hợp đồng làm bằng chứng. Trên giấy đặt cọc giữ chỗ phải có đầy đủ chữ ký của cả hai bên. Tiền đặt cọc chỉ đưa đối đa 50% giá bên nhà trọ đưa ra.
Lưu ý khi ký Hợp đồng thuê nhà trọ
- Sau khi đã quyết định thuê nhà trọ, sinh viên cần ký Hợp đồng thuê nhà trọ với những lưu ý sau:
- Chủ thể ký Hợp đồng: Ký Hợp đồng với chính chủ nhà/người được chủ nhà Uỷ quyền (có giấy uỷ quyền hợp pháp). Nếu nghi ngờ, các bạn có thể hỏi thăm hàng xóm xung quanh hoặc người thuê các căn trọ khác xem người đó có đúng là chủ nhà không tránh ký Hợp đồng với đối tượng lừa đảo.
- Hình thức Hợp đồng: Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định về Hợp đồng về nhà ở phải được lập thành văn bản, không cần công chứng hay chứng thực. Tuyệt đối không thuê nhà dưới hình thức thoả thuận bằng lời nói, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sau.
- Ghi rõ thông tin căn nhà/phòng thuê (số phòng, địa chỉ nhà).
- Thời hạn giao nhận nhà trọ. Thời điểm bắt đầu tính tiền thuê, thời hạn thanh toán hằng tháng.
- Giá thuê. Ghi rõ giá thuê đã bao gồm chi phí gì, chưa bao gồm chi phí gì. Ngoài những chi phí đã liệt kê trong Hợp đồng, bên thuê nhà sẽ không thanh toán bất kỳ khoản phí nào khác.
- Ghi rõ hiện trạng nhà, những hư hỏng có sẵn. Liệt kê các đồ dùng nội thất có sẵn trong nhà, giá trị những món đồ này.
- Thời hạn cần báo trước khi muốn chấm dứt hợp đồng thuê. Nếu báo trước đúng thời hạn quy định, bên thuê sẽ được nhận lại khoản tiền đặt cọc sau khi trừ đi các chi phí hợp lý.
Một tip nhỏ cho các bạn sinh viên là tại thời điểm nhận nhà trọ, các bạn nên quay clip lại hiện trạng toàn bộ căn nhà trọ để khi trả nhà, các bạn tránh được việc bị tính những khoản phí không do mình gây ra.
Một số thủ đoạn lừa đảo thường gặp khi sinh viên đi thuê nhà trọ
Hiện nay trên thực tế, có rất nhiều cá nhân/tổ chức lừa đảo chuyên nhắm vào đối tượng là các bạn sinh viên có nhu cầu tìm nhà trọ, với những thủ đoạn thường gặp như sau:
- Đăng thông tin nhà trọ lên mạng, tờ rơi nhưng lại không phải chủ nhà. Lợi dụng việc chủ nhà ở xa và giới thiệu giá thuê rất rẻ so với mặt bằng chung, các đối tượng lừa đảo dắt người thuê nhà đi xem nhà trọ, nhận tiền cọc “giữ chỗ”, sau đó biến mất. Đến khi sinh viên quay lại ký hợp đồng mới biết người nhận cọc của mình không phải chủ nhà.
- Chủ nhà nhận cọc “giữ chỗ”, tuy nhiên giấy nhận cọc lại ghi “nếu không tới ở thì mất cọc”. Sau đó dùng rất nhiều lý do để cố ý “đuổi”, ví dụ: hét giá điện nước trên trời, đưa ra thêm nhiều chi phí vô lý khác (tiền camera, tiền an ninh, điện nước không có đồng hồ riêng mà khoán 1 triệu/người/tháng, …). Lúc này, sinh viên vào ở cũng không được vì quá nhiều chi phí bất hợp lý, mà không vào ở thì xác định mất trắng tiền cọc.
- Khi vào nhận nhà không ghi rõ hiện trạng, đồ dùng trong phòng. Đến khi chuyển đi lại bị trừ hết tiền đặt cọc vào những loại phí vô lý: tường tróc sơn, hư tủ bàn giường,…
Rất mong những thông tin trên sẽ giúp các bạn sinh viên có thêm những thông tin cơ bản để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân trong quá trình thuê nhà trọ!
Giảng viên: Đỗ Mạnh Thiên Thương
Bộ môn Cơ bản
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Đà Nẵng