Dựng AMV bằng Adobe Premier và Adobe After Effect – Trò chơi cũ, sân chơi mới

16:32 31/10/2024

Anime và âm nhạc, hai yếu tố tưởng chừng như không liên quan lại có thể kết hợp để tạo nên những tác phẩm AMV đầy ấn tượng. Vậy làm thế nào để biến những ý tưởng sáng tạo đó thành hiện thực? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này, khi chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hai công cụ đắc lực: Adobe Premiere và After Effects.

AMV là gì?

AMV là viết tắt của cụm “Anime Music Video” dùng để chỉ thể loại video âm nhạc không chính thức do người hâm mộ làm (fan-made) bằng cách lồng ghép một hay nhiều phân cảnh khác nhau từ một hay nhiều bộ phim hoạt hình Nhật Bản (anime) vào một đoạn nhạc. Lịch sử của AMV bắt đầu vào năm 1982 khi anh chàng 21 tuổi người Mỹ tên Jim Kaposztas nối hai đầu đọc băng VHS lại với nhau để ghép bài nhạc “All You Need Is Love” của ban nhạc the Beatles làm nền cho một trường đoạn chiến đấu ác liệt của bộ anime “Star Blazers” nhằm tạo hiệu ứng tương phản hài hước.

“Douga” 動画 (Động họa) tức “Video” trong tiếng Nhật, nên từ khóa cho các AMV còn có tên gọi khác là MAD (Music Anime Douga) tuy nhiên ở biến thể này không chỉ mang hình thức trình bày của AMV nguyên bản là lồng nhạc vào nền phim nữa mà còn được những con người xứ mặt trời mọc tạo ra bằng cách “xào nấu” các đoạn thoại của nhân vật thành một điệp khúc vui tai trên một nền nhạc bất kỳ – và nhánh này sẽ mang những nội dung từ vô tri đến SIÊU VÔ TRI (nhưng nó cũng cực kỳ dễ thương). Dưới đây là một video tiêu biểu đã được đưa lên chương trình buổi sáng Mezamashi TV thuộc đài Fuji TV của Nhật Bản:

Nguồn: YouTube @JuufuuteiRaden – tác giả:@bakakunsansei 

AMV còn có thể áp dụng không chỉ cho anime mà còn áp dụng cho các bộ phim hoạt hình phương Tây (Cartoon – CMV), phim ảnh (Film/Movie – FMV/MMV), game (GMV)

2014 & 2024 – Đỉnh cao, thoái trào và thực trạng hiện nay

AMV hay cũng như bao thể loại xu hướng khác trên YouTube cũng đã từng có đỉnh cao của chính mình và đạt đỉnh vào 2016 – năm được xem như kết thúc cho “Thời kỳ vàng son về nội dung” trên YouTube. Các AMV vào thời điểm đó được đầu tư cao về mặt hình ảnh, những người sáng tạo ra chúng dành rất nhiều thời gian để ghép nối các đoạn phim tưởng chừng như không liên quan đến nhau thành một thể thống nhất thông qua chất xúc tác là âm nhạc.

Từng hình ảnh trong video thậm chí còn được căn chỉnh theo lời nhạc để đẩy cảm xúc người xem lên mức cao nhất. Đúng vậy, có những con người thực sự đã từng ngồi canh từng khung hình sao cho khớp với câu từ bài hát. Nói về AMV điển hình nhất trong cộng đồng fan anime Việt Nam lúc bấy giờ phải nói đến bài nhạc “Love is a Beautiful Pain” của nghệ sĩ Cliff Edge phát hành năm 2012. Bản AMV này nổi đến mức khi bạn gõ tên bài hát này lên Google, nó được đưa thẳng lên mục đề xuất thay cho MV gốc của bài hát.

Hiện nay do sự phát triển của các nền tảng chia sẻ video ngắn và nhu cầu tiêu thụ video của người trẻ, các AMV dần bị thay thế bởi các từ khóa như “tên anime/nhân vật + edit” hoặc “TikTok edit”. Các video như vậy thường bị lạm dụng các hiệu ứng có sẵn của các ứng dụng chỉnh sửa video trên các thiết bị di động như CapCut, TikTok nên các đoạn chuyển cảnh (transitions) thường rất nhanh và các hiệu ứng (effects) tạo ra thường rất chói mắt và gây khó chịu cho đa số người xem, thậm chí gây ra triệu chứng động kinh nhạy cảm ánh sáng (epilepsy).

Tuy nhiên, vẫn còn những nhà sáng tạo, những đồ họa viên ngoài kia đang duy trì sự nguyên bản và chỉn chu của thể loại AMV nói chung và các phân nhánh của nó nói riêng nhằm đảm bảo tính “chuyên nghiệp” của loại hình này. 

“Giải phẫu học” của một AMV

AMV nói chung luôn này tuân theo quy chuẩn ban đầu của thể loại: Chọn lọc các phân đoạn từ một hay nhiều bộ anime và sau đó lồng nhạc vào. Nội dung của phần nhạc và phần hoạt họa có thể liên quan đến nhau về phần chủ đề (Ví dụ: Tình cảm lãng mạn) hoặc không liên quan (các cảnh phim hành động trên nền nhạc hòa tấu thính phòng – video giới thiệu nhân vật Kafka của tựa game Honkai: Star Rail là ví dụ điển hình, chỉ khác rằng đây không phải là sản phẩm “fan made”).

Trong bộ công cụ của Adobe, Adobe Premier và Adobe After Effect đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện một AMV. Premier hỗ trợ quá trình sắp xếp, tinh gọn các phân cảnh cần thiết còn After Effect sẽ trau chuốt cho các phân đoạn chuyển cảnh sao cho mượt và thêm vào những hiệu ứng bắt mắt cho nội dung của một AMV.

Nội dung AMV chia làm hai phần chính: phần nhìn và phần nghe. Các nhà sáng tạo có thể chú tâm đầu tư vào một trong hai hoặc cả hai tùy khả năng bản thân.

Các phân đoạn anime được sử dụng trong AMV có thể cùng hoặc khác tác phẩm, có thể tập trung xoay quanh về một hoặc nhiều nhân vật có những đặc điểm giống nhau (có thể là các nhân vật có tạo hình ngầu, các nhân vật sử dụng cùng một loại vũ khí,…).

Một số AMV còn sử dụng hình ảnh từ truyện tranh được hoạt họa hóa (Live2D) để tạo chuyển động cho các nhân vật được cắt ra từ trang truyện (thường là những tác phẩm chưa có anime chuyển thể). Những người đầu tư vào phần này sẽ chú tâm vào các phân đoạn chuyển cảnh (transitions) sao cho mượt mà và những hiệu ứng (effects) tạo xúc cảm cho người xem ở mức độ vừa đủ (tránh gây động kinh) hoặc nếu phải sử dụng cường độ ánh sáng cao và liên tục thì phải cân nhắc về mục đích sử dụng và tất nhiên, phải luôn có cảnh báo nhạy sáng (Epilepsy Warning) trước khi bắt đầu video khoảng ít nhất là 5 giây.

Nội dung ghi chú ảnh minh họa: Cảnh báo động kinh nhạy cảm ánh sáng ở phần mở đầu trong tựa game Genshin Impact của Hoyoverse.

Tuy Nhiên, nếu sử dụng các ảnh tĩnh trên nền nhạc như chạy slide thuyết trình, thì không được xem là một AMV.

Về phần nghe, các bài nhạc sử dụng rất đa dạng trải dài qua các nền văn hóa và thể loại. Có thể là V-Pop, K-Pop, US-UK, nhạc hòa tấu hay thậm chí là beat đệm rap,… miễn là phối hợp hài hòa với phần hình ảnh. Những người đầu tư sâu vào mảng này sẽ tinh chỉnh làm sao để từng câu từ trong bài hát sẽ ăn khớp với nội dung truyền tải trong phần NHÌN nhằm tạo ra sự thỏa mãn cho người xem, khiến mỗi một lần xem lại là một trải nghiệm mới theo hướng “Ô, thì ra người làm có dụng ý chỗ này, chỗ kia vậy mà lần trước mình không để ý!”

Nghệ thuật từ sự tương phản

Nói thêm về chiếc AMV đầu tiên này thì hiệu ứng được anh chàng Jim áp dụng là hiệu ứng tương phản cảm xúc được áp dụng rất nhiều trong điện ảnh và các hình thức khác của nghệ thuật như văn học, hội họa, biểu diễn,… Hiệu ứng này có thể hiểu một cách đơn giản là trộn lẫn hai loại cảm xúc hay cảm giác đối lập nhau vào chung một phân đoạn nhằm tạo tính hài hước hoặc đẩy mạnh một trong hai loại cảm xúc, cảm giác thành phần.

Ví dụ 1: Trong phim kinh dị, khi nhân vật phản diện đang săn lùng nhóm nhân vật chính thì đột nhiên một bài hát thiếu nhi vui tươi vang lên làm lộ vị trí của nhân vật chính – trong tình huống này tính kinh dị được đẩy lên cao độ dù bài hát thiếu nhi nghe chừng như vô hại và thậm chí rất vui tai là đằng khác. 

Ví dụ 2: Trong hội họa, một bức tranh có thể đang mô tả hai nhân vật bước đi trong tuyết trắng giá lạnh. Nhưng họa sĩ đã khéo léo trong việc sử dụng màu sắc nên hai nhân vật chủ đạo trong bức tranh vẫn khiến cho người xem cảm thấy được sức sống và hơi ấm tỏa ra từ họ dù cây cối trên nền thì ngược lại.

Nguồn: X (formally Twitter) @gkyoyo00

Lý do chúng ta đào sâu vào hiệu ứng của AMV đầu tiên sẽ được giải thích kỹ hơn thông qua mục Case Study (nghiên cứu trường hợp) ngay dưới đây.

Case study tham khảo

  • AMV của tựa phim Spider-Man: Across the Spider-Verse trên nền nhạc SpecialZ của ca sĩ King Gnu

Nguồn: YouTube @redpenguintbh432

Đây là một AMV điển hình cho việc đầu tư vào phần nhìn. Người tạo ra nó đã lựa chọn những phân cảnh có tiết tấu nhanh, chậm theo tiến độ của bài hát. Bên cạnh đó còn lồng thêm các hiệu ứng nhỏ mực (từ khóa tiếng Anh: Ink Splash/Ink Flow effects) để thể hiện được tính chất của phản diện chính của tựa phim – The Spot, kẻ có thể dịch chuyển xuyên qua không gian thông qua các điểm đen do hắn tạo nên (sức mạnh của hắn ta xuất hiện lần đầu nhất ở mốc 0:54 và rõ nhất mốc thời gian 1:17). Trên nền nhạc của tựa anime Jujutsu Kaisen (tựa Việt: Chú thuật hồi chiến) nhưng khi ghép vào một bộ phim hoạt hình phương Tây (cartoon) thì vẫn rất bắt tai và khiến người nghe không khỏi rùng mình vì độ ăn khớp của nó.

  • AMV của tựa phim Arcane trên nền nhạc Bones của ban nhạc Imagine Dragons

Nguồn: YouTube @rektinpepperoni5198

Ở đây chúng ta sẽ phân tích 30 giây đầu của video để phân tích về việc đầu tư phần NGHE của chủ nhân chiếc AMV này. Bắt đầu lời nhạc vào giây thứ 7 “I’m in the bathroom, looking at me. Face in the mirror is all I need”, phân đoạn chuyển cảnh giữa hai phiên bản lúc trẻ và trưởng thành của nhân vật Powder/Jinx.

Những câu từ kế tiếp cho đến giây thứ 20 được thể hiện thông qua vụ hỗn chiến trên cầu và ánh mắt phẫn nộ của Powder nhìn về phía những kẻ đem lại tai ương cho mình. Đặc biệt ở giây thứ 23, lời hát “Is this entertaining?” (“Điều này giải trí lắm hay sao?”) vang lên khi nhân vật đang rơi những giọt nước mắt đau khổ đã mang lại tính điện ảnh cho AMV bằng nghệ thuật tương phản nêu trên, và cảm xúc người xem được bùng nổ khi đoạn bass ở giây thứ 30 khớp với động tác nổ súng bẳng khẩu hình “BANG!” của nhân vật Powder.

  • AMV của tựa game Genshin Impact trên nền nhạc Shukufuku (祝福) của nghệ sĩ Yoasobi 

Nguồn: YouTube @Odensky_G

Đã nói về AMV thì không thể thiếu các đại diện đến từ Nhật Bản với từ khóa MAD (Music Anime Douga) với sản phẩm thuộc phân nhánh GMV (Game Music Video). Những sản phẩm đến từ xứ sở hoa anh đào thì ĐA SỐ sẽ luôn có đặc điểm dễ thấy nhất – lời bài hát (Lyrics). Các nhà sáng tạo đến từ Nhật Bản có thể chạy chữ đơn thuần hoặc áp dụng các loại hình Typography trong tác phẩm của mình. Nói về việc đầu tư phần NGHE của video này thì tác giả gần như bỏ qua các yếu tố đặt nặng sự tiểu tiết như lời bài hát có khớp với nội dung phần NHÌN hay không, mà chỉ chú ý đến tiến độ Nhanh – Chậm của các cảnh phim so với lời nhạc để đảm bảo tính liên kết của cả hai yếu tố chủ chốt.

Là sinh viên Cao đẳng, liệu có thể làm được một AMV?

Câu trả lời chính là có. Với các môn tiên quyết có trong chương trình giảng dạy thuộc bộ môn Thiết kế Đồ họa của Cao đẳng FPT Polytechnic: MUL3211 – Hiệu ứng kỹ xảo với Adobe After Effect, MUL224 – Quay và dựng phim với Adobe Premiere và MUL3152 – Xử lý hậu kỳ với Adobe Premiere, thì việc các bạn có thể làm được một AMV là hoàn toàn có thể về mặt lý thuyết. Tuy nhiên để có được một tác phẩm xuất sắc thì bên cạnh việc nắm vững kiến thức sử dụng công cụ, các bạn cần thêm một chút tư duy và thư viện về hình ảnh, âm thanh phục vụ cho việc tạo ra một AMV tốt.

AMV mang lại lợi ích gì cho công việc tương lai?

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bất kỳ một sản phẩm nào được các bạn sinh viên tạo ra trong chính chuyên môn mà mình đang theo học sẽ luôn là một yếu tố quan trọng đóng góp vào Portfolio sau này. Bên cạnh đó, việc tạo ra AMV thường dựa trên những yếu tố sẵn có như những bộ anime và các bài nhạc đang lưu hành trên thị trường.

Việc xây dựng cho bản thân một kỹ năng tư duy hình ảnh sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong công việc sau này đặc biệt trong mảng quảng cáo hoặc làm MV ca nhạc – với những nguồn nguyên liệu không sẵn có hoặc hoàn toàn mới. Trên thực tế đã chứng minh, chiến dịch quảng cáo của thương hiệu Điện Máy Xanh thành công chính là nhờ kỹ năng tư duy hình ảnh của đội ngũ sản xuất khi tạo ra các đoạn video vừa bắt tai vừa bắt mắt. 

Đăng tải AMV như thế nào để không bị đánh bản quyền?

  • Phần nhìn

Nội dung của phần nhìn cần phải có sự khác nhau trên 50% so với bản gốc. Với đặc tính cắt, ghép linh hoạt của AMV thì các bạn sẽ không lo về phần bị đánh bản quyền hình ảnh NẾU các bạn sử dụng các video từ các nguồn chính thống được công khai hợp pháp và không phải từ sản phẩm fanmade của người khác. Có một cách khá đơn giản để đảm bảo được yếu tố “khác so với bản gốc” (nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nội dung truyền tải) đó là “lật ngang 180 độ” (Flip Horizontal) đoạn video.

Ví dụ: Bạn sử dụng các cảnh phim Conan để làm AMV. Nếu các cảnh phim đó KHÔNG phải từ một AMV của một tác giả khác, bạn được phép sử dụng – hoặc có thể gửi email xin phép sử dụng từ chính chủ hay ghi thêm credit ở phần mô tả / cuối video. Nếu các cảnh phim đó KHÔNG phải là các phim đang được chiếu tại rạp, bạn được phép sử dụng.

  • Phần nghe

Đây là một yếu tố khá phức tạp khi sinh viê muốn theo con đường chuyên nghiệp sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, rất ít các sản phẩm do sinh viên thực hiện bị đánh bản quyền nếu có ghi chú trong phần mô tả hoặc phần chú thích cuối/đầu video về nguồn của bài nhạc được sử dụng: Đây là sản phẩm sinh viên (Under-graduate Product). 

Không nên bật kiếm tiền cho các video dạng fanmade để đảm bảo tính “phi lợi nhuận” của nó. Về phần sau tốt nghiệp, sinh viên vẫn có thể sử dụng các bài nhạc gốc miễn là dẫn nguồn đầy đủ, tuy nhiên có một số đơn vị phát hành khá “khó tính” (ví dụ như Sony Entertainment) thì các bạn có thể xem xét sử dụng các bản cover, remix của các bài hát đó (vẫn phải dẫn nguồn tác giả của các bản cover, remix).

Sản phẩm ấn tượng từ sinh viên FPT Polytechnic

Dưới đây là một số sản phẩm kết môn MUL3211 – Hiệu ứng kỹ xảo với Adobe After Effect của các bạn sinh viên đến từ lớp MUL3211.01.

  • AMV sử dụng bài hát Die With A Smile của ca sĩ Lady Gaga & Bruno Mars

Thông tin sinh viên: Nguyễn Lương Tiểu Quyên (nữ) – PS29923

Sản phẩm lấy chủ đề về tình cảm lãng mạn làm yếu tố chủ đạo nên những bộ anime được sử dụng làm thành phần cũng là những bộ mang chủ đề nêu trên, có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như Your Name (Kimi no Na wa), Dáng Hình Thanh Âm (Koe no Katachi), Horimiya, Violet Evergarden, Tháng Tư là lời nói dối của em (Shigatsu wa kimi no uso), Tuổi mới lớn mộng mơ (Chūnibyō demo Koi ga Shitai!), Vượt xa chân trời (Kyōkai no Kanata), Plastic Memories.

Tác phẩm do cô bạn thực hiện có sử dùng nhiều hiệu ứng chữ cho lời bài hát kết hợp cùng những phân đoạn chuyển cảnh mượt mà trên nền nhạc được chọn lọc từ đoạn cao trào của bài hát tiêu đề nên dù chỉ kéo dài hơn 1 phút cũng đã truyền tải được thông điệp về tình yêu và tuổi trẻ trong AMV của msharing.

  • AMV cho tựa phim Cyberpunk: Edgerunners trên nền nhạc Go! của nghệ sĩ Neffex

Thông tin sinh viên: Võ Hoàng Nhật Quang (nam) – PS43706

Bản nhạc được Nhật Quang sử dụng là một bản nhạc phi bản quyền (Copyright-Free) tức đã được tác giả cho phép sử dụng mà không lo bị đánh bản quyền, đây là một “nước đi” rất thông minh vì về lâu dài bạn sẽ không lo vào một ngày đẹp trời sau tốt nghiệp bỗng nhiên bị “gõ bản quyền” từ một sản phẩm mà bản thân từng làm vào thời còn là một “Bee” của FPT Polytechnic.

Các phân cảnh được sử dụng trong AMV nói về quá trình khởi đầu đầy khó khăn của nhân vật chính của tựa phim Cyberpunk: Edgerunners và cách nhân vật đứng dậy phản kháng lại kẻ đã từng bắt nạt mình. Sự chọn lọc có chủ đích này cũng phản ánh tinh thần của bài nhạc được sử dụng – dù có khó khăn, mệt mỏi thế nào đi chăng nữa chúng ta vẫn có thể bước tiếp! “Even when you feel low, you can still go.”

Giảng viên Tô Văn Châu
Bộ môn Thiết kế đồ họa
FPT Polytechnic TP HCM

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2024

  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.