Tọa đàm “Game Việt: Tiềm năng & Cơ hội” với sự tham gia của các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất Game đã mang tới lời giải cho bài toán nhân sự hiện nay.
Tại hội thảo diễn ra ngày 22/4, ông Christian Nguyễn – Nhà sáng lập của Thietkegame.com cho rằng thời của ngành game đã tới do sự phát triển của công nghệ và thị trường. Theo đó, ngành sản xuất game đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng tại Việt Nam trong những năm qua. Theo thống kê của App Annie, cứ 25 trò chơi được tải xuống trên toàn cầu sẽ có 1 trò chơi được sản xuất tại Việt Nam. Đáng chú ý, chỉ riêng tại Việt Nam hiện nay đã có hơn 430.000 nhà phát triển game và đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2007-2008, ngành sản xuất game đã lội ngược dòng khi doanh thu tăng mạnh, trái ngược với xu thế suy giảm chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong đợt suy thoái lần này, doanh thu ngành sản xuất game đi ngang, có giảm đôi chút nhưng vẫn giữ vị thế lạc quan. Theo ông Vũ Duy Tiếp – CPO Công ty Cổ phần Topebox, điều này có thể lý giải bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
“Khách quan, Apple, Google quan tâm hơn về quyền người dùng, chi phí mua user sẽ đắt hơn, định hướng nhóm khách hàng sẽ khó hơn, như vậy chi phí sẽ tăng. Về nguyên nhân chủ quan, chúng ta vừa trải qua thời gian dài giãn cách xã hội và khi được nới lỏng, trở về trạng thái bình thường mới thì mọi người muốn được ra ngoài, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn là tập trung vào game”, ông Duy Tiếp chia sẻ.
Mặt khác, ông Duy Tiếp cho rằng, thị trường Việt Nam nổi về Hyper Casual Game (Game đơn giản trên các thiết bị di động), những tựa game dạng này chỉ được đầu tư khá ngắn hạn, chỉ cần 2-3 tuần có thể phát hành và nhanh chóng trở thành “game chết”. Trong khi đó, người chơi hiện nay có xu hướng lựa chọn tựa game có chất lượng tốt hơn, được đầu tư mạnh về hình ảnh, cốt truyện và trải nghiệm và đây cũng là lúc ngành sản xuất game phải thay đổi, chấm dứt thời kỳ “trăm hoa đua nở”, “mì ăn liền”. Các studio game Việt dần chuyển hướng xây dựng những game chất lượng, thúc đẩy ngành sản xuất Game tại Việt Nam phát triển về chiều sâu, mang tính bền vững hơn.
Lương ngàn đô nhưng vẫn “khát” nhân sự!
“Khát” nhân lực về sản xuất game là nhận định chung của tất cả các doanh nghiệp tham gia tại tọa đàm.
“Ngành Game ở Việt Nam hiện nay thực sự ‘khát’ nguồn nhân lực, cụ thể là đội ngũ lập trình, code Game 2D, 3D. Tất nhiên, không phải cứ học là có thể làm ngay, ngành nghề Lập trình Game này cũng có khá nhiều đặc thù, trong đó, sự sáng tạo, tính logic, tinh thần học hỏi, một chút tham vọng mong muốn được đối đầu với những thách thức sẽ là những yếu tố quan trọng để nâng tầm các sản phẩm Game mang thương hiệu Việt Nam”, ông Vũ Duy Tiếp – CPO của Công ty Cổ phần Topebox nhận định.
Là một trong những nhà phát triển và sản xuất Game trực tuyến trên nền tảng Mobile có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam, ông Phạm Ngọc Hiếu – Giám đốc Phát triển sản phẩm tại GihOt Studio cho biết: “Riêng bộ phận Lập trình Game, mức lương giao động từ 20 tới 50 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Bộ phận Đồ hoạ trong Game cũng có mức lương khá cao từ 20 tới 40 triệu đồng. Còn đối với bộ phận Kiểm thử chất lượng (QA & QC), mức lượng cũng giao động từ 15-30 triệu đồng. Thu nhập hấp dẫn như vậy nhưng không dễ để tuyển được nhận sự phù hợp, chất lượng. Chúng tôi sẵn sàng nhận các bạn thực tập sinh tiềm năng, đào tạo ngay tại doanh nghiệp”.
Thích chơi Game là điều kiện tiên quyết để theo đuổi ngành này, tuy nhiên điều quan trọng hơn là kiến thức, chuyên môn. Bên cạnh đó nếu ứng viên thiếu tinh thần học hỏi hay cập nhật kiến thức, công nghệ mới quá chậm hoặc không thể chịu được áp lực công việc, họ sẽ khó tồn tại với nghề.
Lập trình Game cần có chương trình đào tạo chuyên nghiệp!
Đứng trước nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất game, việc cần có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức nền tảng cùng kỹ năng chuẩn trong lĩnh vực Game Design là vô cùng cần thiết ngay lúc này.
Theo ông Christian Nguyễn – Nhà sáng lập của Thietkegame.com, để tạo ra một Game hoàn chỉnh, mỗi vị trí nhân sự trong dự án đều yêu cầu cao về mặt kiến thức chuyên môn cùng các kỹ năng nghiệp vụ liên quan. Do đó, nền tảng của mỗi nhân sự đều vô cùng quan trọng.
“Bên cạnh những kiến thức được học trên giảng đường, các bạn sinh viên hiện nay có nhiều cơ hội học tập hơn xưa rất nhiều. Các bạn có thể tham gia các khóa học, cuộc thi, thậm chí có thể tham gia dự án với vai trò thực tập sinh từ rất sớm. Đó sẽ là những trải nghiệm quan trọng để dấn thân vào con đường làm Game”, ông Christian Nguyễn chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp, khách mời tại tọa đàm, thầy Trần Vân Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: “FPT Polytechnic chính thức mở chuyên ngành Lập trình Game và bắt đầu đưa vào giảng dạy trong năm nay. Chương trình đào tạo về Lập trình Game đã vượt qua 3 vòng thẩm định đến từ các doanh nghiệp sản xuất game tại Việt Nam. Đây là chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp với mục tiêu mang tới nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp tiêu chí doanh nghiệp đặt ra”.
Theo đó, sinh viên khi lựa chọn theo học Lập trình Game tại FPT Polytechnic sẽ được trải nghiệm môi trường học tập có tính thực tế cao thông qua phương pháp học tập qua dự án, thậm chí có thể tham gia dự án mà doanh nghiệp đặt hàng. Được biết, chương trình học tập tại FPT Polytechnic sẽ kéo dài trong 2 năm (6 học kỳ liên tục) với 70% thời lượng là thực hành và bao quát toàn bộ quá trình đầu cuối tạo ra game. Nhờ đó sinh viên sẽ có cái nhìn tổng quan, logic về các khâu trong sản xuất Game, đồng thời được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về lập trình Game. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm các vị trí Game Designer, Game Developer, Game QA & QC…
Theo VTV