Bài viết chuẩn SEO là một kiến thức cơ bản và quan trọng khi theo học Digital Marketing. Đây cũng là nội dung được sinh viên đánh giá là khó nhớ và dễ xảy ra thiếu sót. Sau đây, mình sẽ liệt kê 5 lỗi sai mà sinh viên thường gặp khi thực hành sản xuất bài viết chuẩn SEO.
Bài viết phù hợp nhất với các sinh viên đang học môn Content hoặc các thực tập sinh Content.
Mục lục
- 1 Tập viết với từ khóa ngắn
- 2 Tối ưu không đúng từ khóa đã nghiên cứu
- 3 Viết ALT ảnh (văn bản thay thế) theo cách cũ
- 4 Viết ALT ảnh giống hệt nhau hoặc không liên quan đến ảnh
- 5 Để External Link trỏ sang website của đối thủ
- 6 Nhầm lẫn link các trang mạng xã hội là Internal Link
- 7 Để Internal Link và External Link giống hệt nhau trong mọi bài viết
Tập viết với từ khóa ngắn
Từ khóa ngắn là từ khóa có ít tiếng, ví dụ: trang sức bạc. Từ khóa dài là từ khóa có nhiều ký tiếng, ví dụ: công dụng của trang sức bạc.
Trong một bài viết chuẩn SEO, mật độ từ khóa cần tối ưu trong khoảng 0.8 – 2% (số liệu năm 2023) và được tính bằng công thức: mật độ từ khóa = (số lần xuất hiện từ khóa/tổng số từ của bài viết) x 100. Như vậy, với bài viết tầm 1000 từ, từ khóa cần lặp lại khoảng 8 – 20 lần.
Nếu chọn viết bài với từ khóa dài (ví dụ: công dụng của trang sức bạc), lặp đi lặp lại từ khóa một cách hợp lý khá khó, dễ khiến nội dung lủng củng, không hay. Từ khóa dài cũng khiến sinh viên dễ bị bí ý tưởng, bí từ. Thế nên một số sinh viên thường chọn từ khóa ngắn (ví dụ: trang sức bạc) để dễ viết hơn.
Tuy nhiên, khi đi làm thực tế, chúng ta phần lớn phải viết bài với những từ khóa dài. Từ khóa dài thường có mức độ cạnh tranh thấp hơn, dễ SEO hơn. Cách đơn giản nhất để kiểm tra mức độ cạnh tranh của từ khóa là search allintitle. Ví dụ, hai từ khóa “công dụng của trang sức bạc” và “trang sức bạc” có độ khó khi SEO rất khác nhau:
Chúng ta nên chọn viết bài với từ khóa dài để sớm rèn luyện tư duy.
Tối ưu không đúng từ khóa đã nghiên cứu
Sinh viên cũng hay gặp lỗi nghiên cứu và chọn từ khóa dài cho dễ SEO nhưng sau đó tự ý bớt từ để viết và tối ưu mật độ từ khóa được dễ dàng hơn.
Ví dụ với hai từ khóa trên, sinh viên thường sai như sau: từ khóa sinh viên nghiên cứu và lựa chọn là “công dụng của trang sức bạc”, tiêu đề bài viết là “5 công dụng của trang sức bạc bạn nên biết” (vẫn đúng search intent) nhưng khi viết và kiểm tra số lần xuất hiện từ khóa (ctrl + F) thì lại kiểm tra từ “trang sức bạc”.
Việc nhầm lẫn từ khóa có thể khiến công sức sản xuất nội dung của sinh viên “đổ sông đổ bể” khi bài viết gần như không thể đạt thứ hạng cao với một website mới.
Viết ALT ảnh (văn bản thay thế) theo cách cũ
Google luôn cập nhật những thuật toán mới. Nhiều năm về trước, chúng ta cần viết ALT ảnh (văn bản thay thế) không dấu, các tiếng kết nối với nhau bằng dấu gạch ngang, ví dụ: cong-dung-cua-trang-suc-bac. Hiện tại, thuật toán của Google đã thông minh hơn, cho phép chúng ta viết ALT ảnh bằng tiếng Việt có dấu, ví dụ: công dụng của trang sức bạc.
Sinh viên sai lỗi này thường do không tập trung nghe giảng, không nắm vững các lưu ý của giảng viên. Khi thực hành ở nhà, các bạn tham khảo, làm theo những tài liệu cũ từ các năm trước như assignment mẫu, bài viết, video trên mạng mà không biết thuật toán đã cập nhật.
Viết ALT ảnh giống hệt nhau hoặc không liên quan đến ảnh
ALT ảnh là một trong những yếu tố được bộ máy Google xem xét để đánh giá, xếp hạng bài viết. Nếu ALT ảnh giống hệt nhau hoặc nội dung không liên quan đến ảnh sẽ không được bộ máy của Google đánh giá cao.
Ví dụ cụ thể về lỗi sai sinh viên thường gặp:
- Viết ALT giống hệt nhau trong tất cả các ảnh, thêm số 1, 2, 3,…: công dụng của trang sức bạc 1; công dụng của trang sức bạc 2, công dụng của trang sức bạc 3,…
- Nội dung không liên quan đến ảnh: abc, ảnh 1, ảnh 2, ảnh 3,…
Để External Link trỏ sang website của đối thủ
Chúng ta cần đặt những External Link (liên kết ra ngoài trang) hữu ích, liên quan đến nội dung bài viết trong bài chuẩn SEO. Tuy nhiên, tuyệt đối không trỏ sang website của đối thủ bởi như thế không khác gì chúng ta đang hỗ trợ đối thủ làm SEO. Nên để External Link trỏ về những website cộng đồng như báo uy tín, Wikipedia hoặc website của những doanh nghiệp khác ngành.
Nhầm lẫn link các trang mạng xã hội là Internal Link
Internal Link (liên kết bên nội bộ) là những link có cùng tên miền với URL của bài viết. Fanpage, kênh TikTok hay kênh Youtube mặc dù là kênh truyền thông doanh nghiệp sở hữu nhưng vẫn là External Link.
Để Internal Link và External Link giống hệt nhau trong mọi bài viết
Internal Link và External Link ngoài việc hỗ trợ SEO thì còn là công cụ hữu hiệu để chúng ta tăng thời gian tương tác trung bình của người dùng trên website hoặc tăng doanh số. Nhiều sinh viên để nhanh chóng có Internal Link và External Link trong bài (nhằm check Yoast SEO, check Rank Mark SEO hiện “xanh”) chỉ copy paste 2 dòng sau đây trong tất cả các bài:
- Mời bạn đọc thêm các bài viết khác của chúng tôi (từ Tại đây để internal link là trang chủ website).
- Đừng quên follow Fanpage của chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất (từ Fanpage để external link là fanpage của doanh nghiệp).
Cách đặt link như thế không sai nhưng không đem lại hiệu quả cao, người đọc thường ít khi nhấp vào các link này. Trên quan điểm của một giảng viên, mình đánh giá các sinh viên chỉ copy link như trên hơi lười, không chịu khó đầu tư tư duy và thời gian cho việc tối ưu hiệu quả bài viết.
Cách đặt link “chuẩn SEO” theo môn SEO khá phức tạp, liên quan đến chiến lược SEO. Bài viết này phục vụ chủ yếu cho các sinh viên của môn Content hoặc những người chưa có hiểu biết nhiều về SEO nên mình chỉ gợi ý như sau:
- Internal Link nên trỏ về những bài viết khác có liên quan đến nội dung bài viết hoặc trang sản phẩm được đề cập đến trong bài, xuất hiện ở ảnh.
- Anchor Text nên là những từ có ý nghĩa, liên quan đến nội dung link, hạn chế viết Tại đây.
- Vị trí của link nên rải rác trong bài, không nên chỉ để ở cuối bài viết
- Nên đặt từ 2 Internal Link trở lên trong một bài viết nhưng cũng không nên để quá nhiều link.
Trên đây là 7 lỗi sai thường gặp của sinh viên khi thực hành sản xuất bài viết chuẩn SEO. Hãy cẩn thận, đầu tư thời gian để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất và không phải chỉnh sửa bài đăng nhiều lần các bạn nhé!
Giảng viên Nguyễn Thị Trang
Bộ môn Thương mại điện tử
FPT Polytechnic Hà Nội