Vào tối ngày 22/03/2025 vừa qua, tại sân bóng rổ tòa P, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP HCM, chương trình văn hóa nghệ thuật “Dưới Bóng Yang Va” đã diễn ra. Sự kiện thuộc dự án tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Truyền thông & Tổ chức sự kiện khoá 19.2, gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả bởi sự độc đáo của các tiết mục mang đậm nét truyền thống của người Chơ Ro.
Chương trình nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ các bạn trẻ, những người có tinh thần yêu văn hóa dân tộc Việt Nam có mong muốn tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật, lịch sử và tín ngưỡng truyền thống riêng biệt của người Chơ Ro.
Khi đến với chương trình, để khán giả có thể cảm nhận rõ nét về văn hóa truyền thống của người Chơ Ro, Hạt Team đã tổ chức triển khai các hoạt động check – in, thưởng thức ẩm thực truyền thống như gà nướng cơm lam, canh bồi truyền thống của người Chơ Ro và kèm theo những trò chơi dân gian rất thú vị như nhảy sạp, cà kheo,… Từ đó, khán giả có thể cảm nhận được rằng đang hòa mình vào một lễ hội SaYangVa thật sự của người Chơ Ro mà khán giả chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ được tham gia.
Để chuẩn bị cho việc khai mạc chương trình, việc lựa chọn tiết mục múa mang tựa đề “Cồng Chiêng Tây Nguyên” do đội văn nghệ xã Xuân Thiện là một lựa chọn đúng đắn. Đây không chỉ là một tiết mục múa đơn thuần mà đó còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự thiêng liêng của bộ Cồng (Goong), Chiêng (Chinh) trong từng lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc. Đối với người Chơ Ro, bộ Cồng Chiêng là hơi thở về văn hóa nghệ thuật tiêu biểu mà họ tự hào khi sở hữu được và mang lại những giai thoại trong từng nhịp Cồng, điệu Chiêng.
Tiếp nối chương trình là ca khúc “Ru em khi mẹ lên nương” – một sáng tác đầy cảm xúc của nhạc sĩ Điểu Được, được trình bày bởi em Mai Trâm. Với giọng hát trong trẻo kết hợp cùng âm hưởng mang đậm nét văn hóa dân tộc, tiết mục đã khắc họa nên hình ảnh người mẹ Chơ Ro trìu mến. Đó là hình ảnh người mẹ vừa mang vác con vừa miệt mài làm rẫy, thể hiện tình yêu thương không chỉ qua lời nói hay hành động mà còn chất chứa trong từng giai điệu. Dù không phô bày ra ngoài, tình cảm thiêng liêng ấy vẫn chạm đến trái tim khán giả qua từng câu hát đầy sâu lắng
Để khán giả cảm nhận rõ hơn về sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường của người Chơ Ro trên vùng đất Ba Yan – mảnh đất đỏ màu mỡ đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, hun đúc nên tinh thần bất khuất qua từng thế hệ, đội văn nghệ xã Xuân Thiện đã mang đến tiết mục múa “Nhịp thở Ba Yan”. Qua từng động tác uyển chuyển mà mạnh mẽ, tiết mục khắc họa rõ nét tình yêu quê hương, sự gắn bó bền chặt với nương rẫy. Chính tinh thần ấy đã tạo nên những con người đi vào huyền thoại, để lại dấu ấn vàng son trong dòng chảy văn hóa đầy tự hào.
Với tiết mục đơn ca “Em là cô gái Chơ Ro” do chú Điểu Mỹ trình bày – một sáng tác đầy cảm xúc của nhạc sĩ Y Chel Niê Sao Siu, khán giả đã được thưởng thức một hơi thở đậm chất văn hóa nghệ thuật của người Chơ Ro. Dường như ca khúc được viết riêng cho chú, khi từng giai điệu, từng lời ca đều toát lên nét đẹp mộc mạc nhưng đầy tự hào của dân tộc.
Không dừng lại ở đó, để mang đến không khí sôi nổi và dâng trào cảm xúc hơn cho chương trình, chú Điểu Mỹ và cô Thị Nhung đã cùng hòa giọng trong tiết mục song ca “Tình yêu trên nương”. Bài hát kể về câu chuyện tình yêu đôi lứa trong sáng, gần gũi với thiên nhiên và thấm đẫm nét đẹp đời sống lao động. Những lời ca dung dị mà sâu lắng đã tái hiện tinh thần yêu thương, sự san sẻ, và vẻ đẹp mộc mạc trong từng nhịp sống của người Chơ Ro, để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
Với mong muốn đưa khán giả đến gần hơn so với bộ Cồng Chiêng truyền thống của người Chơ Ro, tiết mục Múa Cồng Chiêng “Vui Hội Mùa” do đội Cồng Chiêng xã Xuân Thiện biểu diễn mang một tinh thần hân hoan trong các lễ hội truyền thống được diễn ra như thế nào mà từng điệu Cồng, nhịp Chiêng mang đến những âm thanh vang vọng, là linh hồn bao thế hệ người đồng bào Chơ Ro.
Văn hóa nghệ thuật Cồng Chiêng của người Chơ Ro không chỉ là những âm thanh trầm bổng đơn thuần mà còn là tiếng lòng thể hiện sự tự hào của cả một dân tộc. Để quý khán giả có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa và tính quan trọng của bộ Cồng Chiêng trong lễ hội SaYangVa – Lễ hội Mừng Lúa Mới, chú Điểu Tám (Tên thật là Điểu Toa) là người đã có nhiều năm gắn bó và truyền dạy loại hình văn hóa nghệ thuật này đã chia sẻ chân thành.
Kèm theo đó, chương trình sẽ tạo cơ hội cho khán giả tham dự có thể trải nghiệm được bộ Cồng Chiêng bởi sự hướng dẫn từ chú Điểu Tám và thực hiện để tạo ra một nhịp đánh truyền thống của người Chơ Ro.
Điểm nhấn của chương trình văn hóa nghệ thuật “Dưới Bóng Yang Va”, chính là tiến hành tái hiện lại nghi thức Cầu Mưa trong lễ hội SaYangVa – Lễ hội Mừng Lúa Mới. Chính là lễ hội truyền thống của người Chơ Ro được diễn ra vào tháng 3 (Âm lịch) hàng năm với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cũng thể hiện tín ngưỡng của người Chơ Ro mà đó chính là vị Thần Lúa đáng kính.
Để Quý khán giả có thể cảm nhận được lễ hội SaYangVa được thực hiện như thế nào, chương trình tạo điều kiện cho khán giả có thể đứng lên và có thể tham gia vào không khí lễ hội vô cùng thiêng liêng này. Sau đó, mọi người cùng nhau tận hưởng các tiết mục văn nghệ, tham gia ẩm thực và chơi trò chơi dân gian truyền thống.
Kết thúc chương trình, bạn Phạm Đăng Quốc Thịnh – Trưởng Ban Truyền thông dự án “Dưới Bóng Yang Va”, đã chia sẻ một cách đầy tự hào “Mình cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi thực hiện một dự án về văn hóa truyền thống của người Chơ Ro với mục đích lan tỏa và giữ gìn nét văn hóa nghệ thuật, lịch sử và tín ngưỡng của người Chơ Ro đến gần gũi với cộng đồng xã hội hơn. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về việc lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số, không chỉ riêng về văn hóa của người Chơ Ro mà còn các dân tộc có nét văn hóa độc đáo khác”.
Đặc biệt, chương trình đã nhận được sự quan tâm từ các phương tiện truyền thông, cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động đã thực hiện việc đưa tin những hình ảnh và thông tin về chương trình văn hóa nghệ thuật “Dưới Bóng Yang Va”.
Sau khi kết thúc chương trình, nhiều quý giảng viên và khán giả chia sẻ rằng chương trình được tạo ra mới mục đích lan tỏa văn hóa truyền thống của người Chơ Ro là điều cần thiết, những ý nghĩa tích cực được tạo ra từ các tiết mục được thể hiện thông qua các tiết mục biểu diễn, góp phần thúc đẩy tích cực về văn hóa dân tộc Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng.
“Dưới Bóng Yang Va” với những mong muốn tạo ra những giá trị văn hóa tích cực đến với các bạn trẻ. Để từ đó, có thể thúc đẩy phát triển mảng văn hóa – xã hội đồng thời góp phần lan tỏa và giữ gìn các nét văn hóa truyền thông đang dần bị lãng quên.
Giảng viên Trần Hà Phương Thảo
Bộ môn Kinh tế
FPT Polytechnic TP HCM