Mới đây, các sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của FPT Polytechnic Hà Nội đã thành công bảo vệ hai dự án tốt nghiệp sáng tạo, đó là dự án game 3D “Đấu Chiến Thực Thần” đạt 9,5 điểm và dự án thiết kế nội ngoại thất biệt thự “Vân Mây” đạt 8,8 điểm.
“Đấu Chiến Thực Thần”: Khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam qua game 3D
Tựa game được thực hiện bởi nhóm bạn Nguyễn Trần Quang Anh, Nguyễn Đức Tài, Cao Ngọc Bảng, Lưu Thị Thủy Ngân, Nguyễn Khánh Ly, Trần Bảo Anh và Lê Anh Tuấn.
Sản phẩm lấy bối cảnh tại một vương quốc nhỏ bé và yên bình, nơi có nhà vua nổi tiếng nhân từ, được thần dân kính trọng. Thế nhưng, do đã quá quen thuộc với những sơn hào hải vị thượng hạng, ông dần trở nên chán ăn, sức khỏe ngày một suy giảm. Trước tình cảnh đó, một vị đại thần đề xuất tổ chức một cuộc thi nấu ăn quy mô lớn, nhằm giúp nhà vua khám phá lại hương vị tuyệt vời từ những món ăn dân dã, đặc trưng của từng vùng miền trong vương quốc.
Ngay sau khi chiếu chỉ được ban ra, tin tức về cuộc thi cùng phần thưởng là rương báu vô giá nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Từ phố thị phồn hoa đến những làng quê xa xôi, người người bàn tán, háo hức. Các đầu bếp tài năng từ khắp chốn nô nức kéo về kinh thành, mang theo những món ăn đặc sắc và niềm tự hào vùng miền.
Khi cuộc thi chính thức bắt đầu, các đầu bếp lần lượt trình bày tài nghệ, đặt trọn tâm huyết vào từng món ăn. Không chỉ là khát khao chiến thắng để nhận được phần thưởng cao quý, họ còn muốn bày tỏ lòng trung thành và tình yêu dành cho nhà vua, mong mang lại niềm vui và sức khỏe cho ông. Qua những món ăn đậm đà hương vị quê hương, họ hy vọng kết nối tấm lòng người dân và giúp nhà vua tìm lại niềm vui và sự hạnh phúc.
Khác với những tựa game đối kháng thông thường, “Đấu Chiến Thực Thần” đưa người chơi vào một cuộc thi nấu ăn hoàng cung hấp dẫn. Game giúp người chơi trải nghiệm và khám phá các món ăn truyền thống qua những nhân vật độc đáo. Mỗi trận đấu không chỉ là cuộc chiến mà còn là hành trình tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của từng món ăn. Các yếu tố như đồ họa sống động, âm thanh và những câu chuyện liên quan đến từng món ăn tạo ra một trải nghiệm phong phú và gần gũi. Game cũng khuyến khích người chơi tìm hiểu thêm về cách chế biến và ý nghĩa của những món ăn trong văn hóa Việt Nam.
Bạn Nguyễn Trần Quang Anh cho biết, khi bắt đầu dự án này, nhóm đã trải qua nhiều khó khăn đối với việc chọn thành viên phù hợp. Ngoài ra, việc khai thác yếu tố văn hóa truyền thống đòi hỏi sự tinh tế để tránh sai sót hoặc gây hiểu lầm, đồng thời đảm bảo sự sáng tạo không làm mất đi bản sắc vốn có. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng phải đối mặt với áp lực tinh thần, sự kiệt sức và mâu thuẫn nội bộ trong đội ngũ phát triển. Tuy nhiên, với tầm nhìn rõ ràng, chiến lược hợp lý và sự kiên trì, những cản trở đã được các bạn nhanh chóng kiểm soát để hoàn thành tựa game chỉn chu nhất.
Bạn Quang Anh chia sẻ thêm: “Dù trong quá trình học tập, làm dự án còn nhiều điều thiếu xót, chưa được hoàn thiện nhưng các thành viên của nhóm đều cảm thấy vui với những ngày tháng mình bỏ ra, cũng đều hạnh phúc vì kết quả xứng đáng.Chúng mình hy vọng rằng ‘Đấu Chiến Thực Thần’ sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người chơi và trở thành một sản phẩm tiêu biểu để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam”.
“Đấu Chiến Thực Thần” là một ví dụ điển hình cho thấy sự tài năng của sinh viên FPT Polytechnic Hà Nội. Những chất liệu truyền thống luôn là nguồn cảm hứng bất tận để các bạn trẻ sáng tạo. Qua đó, dự án thực tế không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mà còn góp phần bảo tồn, lan tỏa văn hóa dân tộc.
Biệt thự Vân Mây: Sinh viên kiến tạo không gian sống đẳng cấp
Với vị trí đắc địa tại Tam Đảo, biệt thự “Vân Mây” được thiết kế để mang đến cho du khách một không gian nghỉ dưỡng lý tưởng, nơi họ có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
Dự án được thực hiện bởi sáu bạn trẻ: Trịnh Thị Thương, Nguyễn Văn Tiến, Bùi Văn Nhân, Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Việt Hùng. Lấy cảm hứng từ phong cách Wabi-sabi, nhóm đã tạo nên một không gian sống hài hòa, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu và sự không hoàn hảo. Mỗi góc nhỏ của biệt thự đều mang đến một trải nghiệm khác biệt, từ phòng khách ấm cúng đến phòng ngủ yên tĩnh, tất cả đều hướng đến mục tiêu mang lại cảm giác thoải mái và thư giãn cho người sử dụng.
Việc thiết kế và xây dựng biệt thự “Vân Mây” là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị. Nhóm sinh viên đã đối mặt với khó khăn khi lựa chọn vật liệu, bố trí không gian để đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng. Tuy nhiên, với sự cố gắng không ngừng và tinh thần đoàn kết, các bạn đã vượt qua tất cả để hoàn thành dự án một cách xuất sắc.
Bạn Trịnh Thị Thương cho biết: “Nhóm chúng mình luôn làm việc với tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi thành viên đều phát huy thế mạnh riêng, như thiết kế 2D đến 3D, luôn đảm bảo tiến độ của dự án. Nhưng chúng mình còn gặp khó khăn trong việc xử lý cấu hình và phân phối nội thất thất bại để có thể xác định rõ phong cách Wabi-sabi. Tuy nhiên, nhờ sự trao đổi liên tục, học hỏi từ các nguồn tài liệu và thử nghiệm thực tế, nhóm đã tìm ra giải pháp để cân bằng giữa tính thẩm mỹ và công năng, mang lại sự hài hòa hòa hợp cho thiết kế”.
Cả hai dự án tốt nghiệp trên đều cho thấy sự sáng tạo, tâm huyết và nỗ lực của các sinh viên FPT Polytechnic Hà Nội. Đây là những sản phẩm đáng tự hào, góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường.
Giảng viên Lê Hải Việt Hoàng
Bộ môn Thiết kế đồ họa
FPT Polytechnic Hà Nội