Với tình yêu dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, nhóm sinh viên Thiết kế đồ hoạ K17.3 tại FPT Polytechnic Cần Thơ đã mang đến buổi báo cáo dự án tốt nghiệp “Bộ nhận diện sự kiện triển lãm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ – Xê Xàng Xê”. Đây là bộ nhận diện chi tiết, sáng tạo và nhận được đánh giá cao từ hội đồng chấm điểm.
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Loại hình nghệ thuật này bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật của bà con nông dân miền Tây, sống chan hoà với nhau, đờn và ca là cách họ thể hiện tình làng nghĩa xóm với nhau.
Chính từ những câu từ chân chất, gần gũi trong câu hát, những nhịp đờn hợp ý nhau đã kéo những người xa lạ gần với nhau. Chính từ những nét đẹp đó mà Đờn ca tài tử còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dòng nhạc hiện đại khác xuất hiện, nên loại hình nghệ thuật truyền thống không được “săn đón bởi” các bạn trẻ. Chính vì vậy, dự án được mang tên là ” Xê Xàng Xê” được ra đời với sự sáng tạo của các bạn sinh viên:
- Sử Khải Trân
- Lê Thị Ny
- Vân Thiên Quỳnh
- Nguyễn Ngọc Diệu
- Lê Quốc Cường
- Huỳnh Lê Yến Nhi
- Nguyễn Hoàng Ánh Tuyền
Đại diện nhóm chia sẻ “Chúng em hy vọng mang lại nguồn sống mới cho loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Và mang luồng gió mới đến với các bạn trẻ, và cộng đồng yêu thích loại hình nghệ thuật này bởi vì chính chúng em cũng là một khán giả của môn nghệ thuật này nên không muốn nó bị mất đi”. Để có một dự án với khối lượng sản phẩm lớn các bạn đã có sự tìm hiểu chi tiết về đờn ca tài tử từ nguồn gốc, lịch sử và sự kiện nổi bật gắn liền với nó.
Bên cạnh những kiến thức mà mình học được, sự thành công của dự án còn nhờ vào tinh thần làm việc đoàn kết, khả năng teamwork chặt chẽ của các bạn. Những ngày cuối chạy nước rút, để hoàn thành dự án cho kịp tiến độ, bảy thành viên đã cùng sống và sinh hoạt với nhau chung một căn trọ. Tuy có khó khăn vất vả, nhưng các bạn vẫn cùng nhau tạo bầu không khí chạy deadline thoải mái và vui vẻ.
Đại diện nhóm chia sẻ “Quá trình thực hiện dự án, thực hành và làm việc với đội nhóm lúc nào cũng sẽ có xảy ra những xung đột và bất đồng ý kiến. Nhưng để giải quyết các vấn đề đó chính là sự thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và đưa ra hướng giải quyết”. Đây cũng là tiền đề của sự phát triển theo hướng tích cực, vì có xung đột thì mới có sự phát triển.
Đối với các bạn, sau mọi vấn đề xung đột xảy ra, mỗi thành viên đều rút ra được một phương pháp giải quyết và bài học từ những sai lầm. Cùng nhau thực hiện dự án không chỉ dừng lại ở việc cùng nhau thành công mà còn cùng nhau phát triển bản thân.
Đi đôi với những sự cố gắng đó chính là sản phẩm đánh dấu quá trình “Thực học – Thực nghiệp” nghiêm túc. Giảng viên Phan Thị Thiên Hương nhận xét về dự án “Các bạn đã thực hiện dự án một cách nghiêm túc và có sự đầu tư, nghiên cứu về lĩnh vực thiết kế tổ chức sự kiện và chủ đề Đờn ca tài tử. Dự án của nhóm đã nêu cao tinh thần dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật đang dần bị lãng quên.”
Sau dự án này, các bạn sinh viên muốn những người bạn cùng trang lứa có các nhìn sâu sắc hơn về các loại hình nghệ thuật văn hóa Việt Nam nói chung và loại hình Đờn ca tài tử nó riêng. “Bất kỳ văn hóa nào, bản sắc nào điều có nét đẹp riêng của nó. Ta nên hiểu về nó nhiều hơn là chỉ biết về cái tên” – đây chính là thông điệp mà nhóm muốn gửi gắm đến người xem.
Mỗi một loại hình nghệ thuật nào điều trải qua quá trình phát triển thăng trầm, để phục vụ cho đời sống tinh thần của con người và là một phần không thể thiếu trong bất kỳ thời đại nào. Hãy nhìn nhận về nét đẹp văn hóa nghệ thuật một cách đúng đắn, để gợi nhớ cho thế hệ mai sau một nét đẹp văn hóa tồn tại muôn đời.
Giảng viên Phan Thị Thiên Hương
Bộ môn Thiết kế đồ hoạ
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ