Tại block 2 kỳ Fall, các bạn sinh viên K19.3 Tự Động Hóa FPT Polytechnic Đà Nẵng bắt đầu làm dự án có độ thử thách cao đó là Thiết kế bộ nguồn cung cấp cho các mạch dùng vi xử lý, các IC họ TTL từ lưới điện 220VAC/50Hz. Cùng điểm qua vài đáng lưu ý trong đề tài lần này để các bạn có thể chuẩn bị kĩ nhất, tự tin nhất cho buổi bảo vệ.
Đầu tiên, các bạn sinh viên cần nắm vững những loại mạch nguồn hiện có, đồng thời cần hiểu rõ bộ nguồn cung cấp cho các mạch dùng vi xử lý hay cho các IC họ TTL sẽ sử dụng điện áp bao nhiêu, phân biệt nguồn điện xoay chiều hay một chiều.
Thứ hai, cần nắm vững về những linh kiện điện tử mình được học trong phần lý thuyết môn Điện tử cơ bản. Hầu hết 90% những linh kiện này đều sẽ xuất hiện trong dự án của các bạn. Đó là những diode tạo nên mạch cầu Diode, Tụ điện để lọc, những IC LM7805 hay LM7812. Nắm vững những nguyên lý hoạt động của các linh kiện này sẽ là một hành trang vững chắc cho các bạn tại buổi bảo vệ dự án.
Thứ ba, sinh viên cần lưu ý biến áp nguồn là một thiết bị điện gồm hai cuộn dây trên một lõi sắt từ. Nó có nhiệm vụ biến đổi điện áp xoay chiều thành điện áp xoay chiều khác để phù hợp với mục đích cần sử dụng. Thông thường, các bạn sẽ chọn biến áp 220V hạ về 12V hoặc 220V hạ về 9V để thiết kế bộ nguồn 5VDC, hay 18V/24V để thiết kế bộ nguồn nhiều đầu ra như 12VDC và 5VDC.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn cầu diode, có thể chọn diode rời hoặc cầu diode tích hợp để làm nhiệm vụ biến đổi điện áp xoay chiều thành điện áp một chiều. Lưu ý, chọn Diode có thông số dòng định mức lớn hơn dòng tải tiêu thụ. Các diode thông thường hay được sử dụng là: 1n4004, 1N4007, cầu diode 1A, 2A, 5A, 10A, 15A.
Tụ điện có chức năng tích trữ năng lượng điện, làm mịn điện áp một chiều. Nếu không có tụ điện thì điện áp ở hai đầu ra của mạch chỉnh lưu, tuy đã là một chiều nhưng vẫn còn nhấp nhô, không bằng phẳng như điện áp một chiều của pin, Acquy.
Tuỳ mục đích của từng mạch nguồn mà ta sẽ chọn IC ổn áp đi theo sao cho phù hợp. Những mạch nguồn cần cung cấp điện áp cố định thì sẽ sử dụng IC ổn áp cho mức điện ra cố định như IC: 7805, 7812,…Với những mạch nguồn cần cho ra mức điện áp có thể biến đổi giá trị thì ta sử dụng IC: LM317, LM358…
Khi chọn IC cần chú ý đến kích thước, thông số dựa trên Datasheet và dòng tối đa IC có thể cung cấp cho tải. Nếu dòng tiêu thụ lớn sinh viên cần bổ sung thêm tản nhiệt cho IC.Ngoài những linh kiện trên, tùy thuộc vào mục đích mạch điện tử sử dụng mà các bạn sinh viên có thể linh hoạt sử dụng thêm những linh kiện khác.
Hi vọng với những lưu ý nhỏ trên đây, các bạn sinh viên K19.3 Tự Động Hóa tại FPT Polytechnic Đà Nẵng sẽ phần nào giảm bớt căng thẳng để bảo vệ thật tốt, bước vào kỳ nghỉ Tết đang chờ đợi các bạn.
Bộ môn Tự động hoá
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Đà Nẵng