Tọa đàm trực tuyến: Giải bài toán nhân lực ngành Cơ khí trong kỷ nguyên 4.0

17:19 06/08/2021

Sáng ngày 6/8, Tọa đàm “Giải bài toán nhân lực ngành cơ khí trong kỷ nguyên 4.0” diễn ra trên Báo điện tử Dân trí dưới hình thức trực tuyến.

Chương trình mang tới những lời giải quan trọng đối với các bạn trẻ đang tìm hiểu về ngành cơ khí trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ngành cơ khí là một trong bốn trụ cột của công nghiệp Việt Nam chiếm gần 30% GDP, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Cơ khí làm ra các sản phẩm đa dạng từ những vật dụng gia đình cho tới các chi tiết xe máy, ô tô, tàu thuỷ, truyền tải điện, máy nông nghiệp; cơ khí cũng đóng vai trò quan trọng trong cả lĩnh vực quân sự, vũ trụ…

Được nhận định là một trong những ngành nghề xương sống, cơ hội phát triển tốt trong thời đại 4.0 khi triển khai máy móc và ứng dụng công nghệ ngành cơ khí sẽ có khả năng cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn có “thực lực” để cạnh tranh với các doanh nghiệp cơ khí nước ngoài.

“Khát nhân lực chất lượng cao” đang là bài toán mà cả ngành cơ khí cùng nhau đi tìm lời giải để đón đầu cơ hội phát triển của ngành trong thời gian tới. Có nên học ngành Cơ khí lúc này? Nếu học thì có nên lựa chọn môi trường Cao đẳng để làm ‘bàn đạp’ cho tương lai? Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều các bậc phụ huynh cùng các bạn trẻ những ngày sau khi nhận kết quả Tốt nghiệp THPT.

Tham dự chương trình giao lưu trực tuyến của chúng ta hôm nay, tôi xin giới thiệu khách mời gồm có:

  • Ông Trần Vân Nam – Giám đốc Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh
  • Ông Phan Mạnh Hoàng – Giám đốc Công ty MTS Việt Nam
  • Ông Nguyễn Tấn Đông – Trưởng phòng Kỹ thuật Thiết bị Công ty TNHH MTEX Việt Nam

Câu hỏi đầu tiên, xin được gửi đến Ông Phan Mạnh Hoàng – Giám đốc Công ty MTS Việt Nam: Ngành Cơ khí có phải là ngành “hot” hiện nay hay không? Thực trạng hiện tại nhu cầu về nhân lực ngành này hiện ra sao?

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Nền Công nghiệp của Việt Nam hiện nay mới chỉ ở giai đoạn tiền công nghiệp. Nó tương tự như ngành Cơ khí của các nền công nghiệp của các nước phát triển như Hàn Quốc hay Đài Loan cách đây 30-40 năm về trước. Tức là giai đoạn này, chúng ta mới nhận những đơn đặt hàng gia công của các nước phát triển, còn các mặt hàng mang thương hiệu quốc gia thì Việt Nam chưa có nhiều. Tôi nhận định ngành Cơ khí của Việt Nam sẽ còn 40-50 năm tiếp theo nữa mới đạt đến giai đoạn bão hòa.

Vì vậy, cơ hội của các bạn học ngành Cơ khí sau khi ra trường là các bạn có thể đi làm ở nước ngoài, các nước phát triển như Nhật, Hàn, Đài Loan.Vậy nên tuổi của ngành Cơ khí còn rất dài, nhu cầu tuyển dụng của các công ty về cơ khí là cao. Ngành Cơ khí hiện nay đang tương đối “hot”. Nguồn nhân lực không đủ để bổ sung cho các công ty.

Vậy ông Hoàng đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực ngành Cơ khí trong thời điểm hiện tại?

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Nguồn nhân lực cơ khí của Việt Nam theo tôi nhận định, có nhiều điểm tích cực. Hầu như các bạn mới ra trường có độ tuổi trung bình còn tương đối trẻ, có các ưu điểm là có sức khỏe tốt, năng động. Tuy nhiên có hạn chế đi kèm là trình độ chuyên môn chưa được chuyên sâu. Ý thức công việc của các bạn chưa được đánh giá cao, chưa có ý thức công nghiệp. Ví dụ như có một đơn hàng công ty nhận về, tới ngày phải giao thì không thể chậm trễ được, nhiều lúc phải tăng ca làm đêm để xong công việc đó, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Nó khác với ý thức làm nông nghiệp. Ví dụ như hôm nay chưa bỏ phân cho lúa thì mai bỏ cũng được. Nhưng ý thức công nghiệp thì không thể như vậy, mọi thứ làm phải theo tiêu chuẩn, có KPI cả, cần phải có ý thức cao.

Hiện tại nhiều bạn trẻ chưa ý thức được vai trò của tính công nghiệp trong công việc. Nhưng những nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu như ta tham gia vào quá trình đào tạo, phân tích cho các bạn.

Các bạn khi mới ra trường, ngành cơ khí ở mỗi công ty có đặc điểm khác nhau, nên không thể đáp ứng được cho tất cả các doanh nghiệp được. Vấn đề về trình độ chuyên môn thì các công ty sẽ có định hướng đào tạo, quan trọng nhất là ý thức của các bạn. Với một bạn vừa ra trường, các bạn không biết làm như thế nào, chưa biết cách làm thế nào thì doanh nghiệp có thể đào tạo được. Tuy nhiên nếu các bạn đã không biết mà còn không có ý thức học hỏi vươn lên thì không ai có thể đào tạo được các bạn.

Xin hỏi ông Trần Vân Nam – Đại diện Trường Cao đẳng FPT Polytechnic: Với nhu cầu ngành nhân lực ngành Cơ khí ngày càng lớn, nhà trường đã xây dựng hướng đào tạo như thế nào cho sinh viên đang theo học tại trường?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Nói về hướng đào tạo ngành Cơ khí của trường CĐ FPT Polytechnic, nhà trường kế thừa lịch sử đào tạo ngành Cơ khí của trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, khi chúng tôi sáp nhập trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội năm 2019 về hệ thống của Tổ chức giáo dục FPT. Chúng tôi xác định các hướng đào tạo chính, đầu tiên là chọn lĩnh vực đào tạo hẹp để chúng ta đào tạo được sinh viên ra làm được việc.

Thứ 2 là dựa vào chuẩn đầu ra, doanh nghiệp đang cần sinh viên có kỹ năng gì, vị trí việc làm gì? Khi chúng tôi dựa vào nhu cầu như vậy, sẽ có khả năng đáp ứng cho doanh nghiệp, đóng góp nguồn nhân lực vào phát triển ngành Cơ khí.

Thứ 3 là chọn định hướng đào tạo nghề tập trung thực hành. Khi thiết kế chương trình đào tạo, chúng tôi ưu tiên cho nội dung thực hành, chiếm khoảng 70% trong tổng thời lượng đào tạo tại trường. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đưa sinh viên đến với thực tế để các em hiểu được ngành nghề này, ra trường có thể bắt kịp sớm nhất yêu cầu việc làm tại các doanh nghiệp.

Vậy thì thưa ông Vân Nam, Học Cơ khí ở FPT Polytechnic, sinh viên sẽ có những kỹ năng, trải nghiệm nào? Những trải nghiệm đó giúp ích gì cho SV bước chân vào môi trường lao động cạnh tranh gắt ở ngoài kia?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Với sinh viên vào học tại FPT, chúng tôi qua kết nối với doanh nghiệp, nhận thấy cần tập trung vào rèn luyện cho sinh viên đạt được những kỹ năng sau:

Đầu tiên là liên quan đến kỹ năng nghề, chúng tôi tập trung vào lĩnh vực hẹp là phần gia công cắt gọt kim loại, bảo trì, bảo dưỡng máy móc cơ khí. Chúng tôi tập trung vào những kiến thức chuyên môn để làm sao cho các em hình thành kỹ năng nghề, ở đây là kỹ năng gia công, thiết kế, vận hành được các máy công nghệ mới CNC. Và hiểu được cơ cấu vận hành để bảo trì, bảo dưỡng máy móc cơ khí, phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn nghề thì chúng tôi còn lắng nghe doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang rất khát khao, đặt yêu cầu cao về những sinh viên ra trường phải có thái độ yêu nghề, tính cẩn thận, tỉ mỉ, xác định làm để phát triển cùng doanh nghiệp.

Thái độ đúng đắn với nghề nghiệp chúng tôi rất chú trọng trong các môn kỹ năng đào tạo cho sinh viên. Trong các tiết học thì nó được tích hợp trong quá trình giảng dạy của giảng viên để làm sao rèn được thái độ, kỹ năng nghề phù hợp.

Ngoài việc học của sinh viên thì chúng tôi cũng chú trọng vào việc vui chơi. Môi trường đào tạo của Tổ chức giáo dục FPT luôn hướng đến tạo cho các bạn không khí năng động, kỹ năng làm việc nhóm, trải nghiệm qua các hoạt động rèn luyện để các bạn vừa hoạt bát, vừa giao tiếp tốt, vừa có những trải nghiệm cuộc sống, kỹ năng xã hội phong phú để dễ hòa nhập với môi trường công nghiệp và phát triển trong tương lai.

Thưa ông Nguyễn Tấn Đông, nhiều bạn trẻ hiện nay khi nói tới ngành cơ khí thì các bạn hay cho rằng đây là những ngành lao động chân tay, nặng nhọc, vất vả. Ông nghĩ sao về vấn đề này và ông có thể chia sẻ thêm về môi trường làm việc cụ thể tại doanh nghiệp như thế nào, làm việc ngành cơ khí vất vả, nặng nhọc đúng không?

Ông Nguyễn Tấn Đông trả lời: Khi nói tới ngành Cơ khí, hầu như mọi người nghĩ ngành này tiếp xúc nhiều với máy móc, công cụ sắt thép, hàn xì dẫn đến nó là ngành vất vả, không an toàn. Nhưng khi đi vào công việc cụ thể thì bao giờ doanh nghiệp cũng tạo điều kiện môi trường làm việc tốt nhất, trang thiết bị lao động an toàn nhất để đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên lao động.

Một kỹ sư cơ khí, hoặc một người tốt nghiệp cao đẳng ngành Cơ khí sau khi ra trường vào công ty thì công ty sẽ có quá trình đào tạo để làm sao người lao động có tính cẩn thận, kỹ thuật cao để đảm bảo an toàn lao động. 

Riêng doanh nghiệp của tôi làm về ngành Cơ khí chính xác cao, hầu như khi các bạn sinh viên vào sẽ làm việc liên quan đến đầu óc là nhiều, phần lớn sử dụng máy móc hiện đại, máy công nghệ CNC, không có gì gọi là vất vả, ghê gớm, gây mất an toàn lao động.

Thưa Ông Phan Mạnh Hoàng qua những vấn đề chúng ta vừa trao đổi chúng ta nhận thấy rằng nhân lực ngành Cơ khí còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Vậy để có thể trở thành một nhân sự lành nghề thì người học cần phải lưu ý điều gì?

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Các bạn vừa mới ra trường thì các bạn như tờ giấy trắng vậy, không có gì quá phải áp lực, mình nghĩ quan trọng vẫn nằm ở nhà trường. Nhà trường cần trang bị cho các bạn tập trung vào 2 yếu tố chính.

Thứ nhất là kiến thức nền tảng về ngành Cơ khí, ngành Cơ khí rất là rộng, chưa biết sau này các bạn vào công ty cụ thể nào, nên các doanh nghiệp đều mong các bạn học cái nền tảng, kiến thức chuyên ngành như đọc được bản vẽ kỹ thuật, kiến thức vận hành máy, khi vào từng công ty cụ thể thì công ty sẽ có quá trình huấn luyện các bạn ít nhất 6 tháng đến 1 năm cho quen việc.

Cái quan trọng thứ 2 mà nhà trường cần trang bị cho sinh viên là ý thức của một người thợ. Gần như nền công nghiệp Việt Nam mình non trẻ, các bạn lớn lên trong gia đình bố mẹ ít người làm công nghiệp, vì vậy tư duy ý thức mang tính công nghiệp như đi đúng giờ, làm đúng việc, các bạn chưa mang được nhiều suy nghĩ như vậy. Thì nhà trường cần trang bị 2 vấn đề chính như trên. Thứ nhất là kiến thức chuyên ngành, thứ 2 là giống như môn Đạo đức chúng ta từng học, là ý thức của một người lao động, nếu các bạn được trang bị tốt 2 cái đó thì các bạn vào đời sẽ tương đối phát triển.

Ngoài ra cần thêm kỹ năng về tiếng Anh chuyên ngành, tôi nghĩ gần như công việc tại Việt Nam nói chung, mình đang làm theo đơn đặt hàng của nước ngoài, nên ngôn ngữ, tài liệu kỹ thuật hầu hết dùng ngoại ngữ. Ở đây thường là các ngôn ngữ chính như tiếng Anh, Nhật, Hàn. Các bạn nên trau dồi tiếng Anh trước. Từ trên bản vẽ, chúng ta sẽ có những thuật ngữ, không phải tiếng Anh gì cao siêu mà là tiếng Anh chuyên ngành. Có kỹ năng ngoại ngữ thì cơ hội sẽ đến với các bạn nhiều hơn.

Rõ ràng là chúng ta thấy được rằng về phía doanh nghiệp đã có những tiêu chuẩn nghề nghiệp nhất định. Vậy thì về phía đại diện của trường Cao đẳng FPT Polytechnic, một đơn vị đào tạo nhân lực ngành Cơ khí, ông Vân Nam có thể cho biết thêm những điểm khác biệt dành cho người học tại FPT Polytechnic?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Khác biệt ở đây là chúng tôi chú trọng vào đào tạo lĩnh vực hẹp và sâu, có cơ hội phát triển là ngành Gia công cơ khí, phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ.

Chúng tôi chọn như vậy để đào tạo sinh viên ngành này ra để làm việc, chứ không dào tạo một cách chung chung quá rộng. Lựa chọn được lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi sẽ xây dựng chi tiết thành các môn học bên trong, đáp ứng sát nhu cầu thị trường, các bạn sẽ được học chú trọng vào các kỹ năng gia công, cắt gọt sản xuất cơ khí dùng các máy công nghệ mới là máy CNC, làm việc nhiều với máy tính, chúng tôi chú trọng vào thời gian thực hành và kết nối với doanh nghiệp.

Khác biệt thứ 2 mà chúng tôi đang tổ chức là đáp ứng yêu cầu về tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp. Chúng tôi tổ chức đào tạo gần với môi trường của doanh nghiệp. Chúng tôi áp dụng việc các bạn phải đi học đúng giờ, nộp dự án, bài tập đúng giờ để quen với tác phong công nghiệp. Trong từng động tác thực hành thì rất chú trọng các thầy cô của môn chuyên ngành đó, đồng thời là các thầy cô các môn kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc, học tập, giao tiếp cần hướng dẫn cho các em, rèn các kỹ năng đó cho các em trong suốt 2 năm 4 tháng. Cái gì thuộc về kỹ năng thì cần có môi trường, sự rèn giũa như thế mới hình thành được trong các thế hệ sinh viên của nhà trường.

Đó là 2 điểm khác biệt lớn nhất mà các bạn học tại CĐ FPT Polytechnic sẽ cảm nhận được.

Vâng thưa ông Vân Nam, có thể thấy nhà trường đã xây dựng một chương trình đào tạo tích hợp với 70% thời lượng học là thực hành, sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Vậy ông có thể cho biết thêm về những lợi ích mà sinh viên theo học ở trường có được cụ thể là gì?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Với thời lượng 70% thực hành, lợi ích đầu tiên tôi nghĩ nó đến từ câu mà ông bà ta đã nói là “Trăm hay không bằng tay quen”. Những nghề như thế này cần được rèn luyện rất nhiều, cách thức chúng tôi tổ chức là lý thuyết xen với thực hành. Khi học một phần lý thuyết nào đó thì đồng thời bước qua thực hành ngay, để các bạn có khả năng phân tích và thực hành, sau đó quay lại xem việc thực hành của mình đạt yêu cầu không, các thầy cô giúp đỡ, chỉnh sửa tay nghề luôn để hoàn thiện. Đó là chu trình các bạn tự học qua thực hành. Môi trường thực hành như vậy cũng chú trọng những kỹ năng cụ thể.

Các bạn trong quá trình đào tạo tại trường sẽ có những kỹ năng liên quan đến lập trình và gia công được các chi tiết bề mặt trên các máy công cụ CNC đời mới. Nhưng đồng thời những cái cơ bản nhất trên các máy truyền thống vẫn lập được những quy trình và gia công bề mặt hay các chi tiết trên các máy vạn năng của ngành cơ khí. Với những nhu cầu như vậy của ngành công nghệ cơ khí trong giai đoạn mới, chúng tôi còn bổ sung thêm các phần học về phần mềm liên quan đến thiết kế để sinh viên khi vào doanh nghiệp làm chủ và vận hành được máy móc của doanh nghiệp, đó là những lợi ích các bạn có được trong quá trình học tại trường.

Vậy ông Nam có thể cho biết thêm chương trình đào tạo của trường được xây dựng như thế nào để đáp ứng CM 4.0?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Nói đến cuộc cách mạng 4.0 trong ngành công nghiệp cơ khí thì đầu tiên phải nói đến hàm lượng các môn liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đầu tiên là các bạn phải sử dụng máy vi tính để học tập các nội dung học tại trường. Tất cả các môn phù hợp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khi các bạn làm việc trong ngành gia công cơ khí trên máy công cụ CNC. Liên quan đến sử dụng các phần mềm, nội dung thiết kế trên máy tính, chúng tôi đưa vào chương trình học cho sinh viên.

Ngoài ra tất cả các kỹ năng của một công dân số được chúng tôi xây dựng hệ thống để sinh viên làm quen ngay từ học kỳ đầu tiên. Các bạn vào trường, sau đó các bạn phải quen với thanh toán điện tử, tất cả các dịch vụ trong trường, nộp đơn, nộp các yêu cầu cũng theo các thủ tục điện tử. Như vậy, các kỹ năng số các bạn được làm quen hết, nộp bài trên hệ thống của trường không dùng giấy, không có giấy thi, việc thi, nộp bài, chấm điểm cũng làm trên môi trường số.

Suốt quá trình học các em đã được làm quen với tư duy, kỹ năng số, các môn học mang hàm lượng số của nghề này chúng tôi cũng đưa vào để dùng các hệ thống thiết bị máy móc, phần mềm máy tính để học rất nhiều. Nó giúp cho các em sinh viên ra trường có thể làm và đáp ứng nhanh nhu cầu tuyển dụng nhân viên có kỹ năng và tư duy số cho doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng, người Học nghề Cơ khí có cần chú trọng tiếng Anh không?

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Mình nghĩ tiếng Anh là một chìa khóa quan trọng. Mọi người cũng biết Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những tài liệu, kinh nghiệm của thế giới đều bằng tiếng Anh. Người làm kỹ thuật không hẳn phải trao đổi bằng Email, thư từ bằng tiếng Anh. Nhưng tài liệu bản vẽ là ngôn ngữ của dân kỹ thuật, tất cả ngôn ngữ đó đều thể hiện bằng các thuật ngữ tiếng Anh.

Nói tới một số cơ hội các bạn có thể tiếp cận được. Hiện nay, một số công ty FDI của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, nếu các bạn chuẩn bị được những kỹ năng mềm đó thì các bạn hoàn toàn có thể trở thành công dân kỹ thuật toàn cầu.

Tiếng Anh thì không phải điều bắt buộc với tất cả mọi người, các bạn học kỹ thuật thì thường không được giỏi tiếng Anh như các bạn học ngành xã hội, Nhưng cần phải chuẩn bị để khi có cơ hội đến có thể bứt tốc, nắm bắt cơ hội hơn người khác. Nếu các bạn không giỏi tiếng Anh thì khi vào làm cho doanh nghiêp, thường có các leaders, quản lý hướng dẫn, hỗ trợ cho các bạn khá nhiều. Bạn nào trang bị được tiếng Anh thì sẽ có cơ hội để phát triển nhanh hơn, đi xa hơn các bạn cùng trang lứa. Nó không quá khó với tất cả các bạn.

 Vâng xin cảm ơn những thông tin rất thú vị vừa rồi của các diễn giả. Quay trở lại với 2 doanh nghiệp, các ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức mà người học, người làm nghềCơ khí sẽ phải đối mặt không?

 Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: : Nói về khó khăn thách thức thì mình nghĩ không có gì thách thức các bạn trẻ cả. Chỉ có điều mình thấy ở xã hội hiện tại, có nhiều cái bẫy tài chính đối với các bạn trẻ.

Có rất nhiều ngành nghề các bạn có thể theo được. Ví dụ các bạn học đại học nhưng ra trường có thể chạy xe ôm công nghệ. Có thể những năm đầu các bạn có thu nhập tương đối tốt, nhưng nếu các bạn không tỉnh táo, bị cuốn vào đồng tiền sớm quá. Với một bạn vừa ra trường làm đúng chuyên ngành Cơ khí có thể thu nhập không bằng việc chạy bàn, chạy xe ôm công nghệ, nhưng sau 3-5 năm có trình độ chuyên môn, tay nghề cao thì lúc đó các bạn sống theo nghề được, có công việc ổn định, không phải nắng nôi ngoài đường.

Thách thức, khó khăn với các bạn trẻ chỉ là các bạn có yêu nghề hay không, còn để đi theo nghề thì không có gì quá khó mà các bạn không theo được. Với một bạn chỉ học hết 12, nếu yêu nghề thì các bạn có thể theo nghề Cơ khí, nghề CNC được, đặc biệt là các bạn có qua trường lớp cao đẳng rồi thì không có thách thức nào cả, chỉ là cách các bạn suy nghĩ như thế nào thôi.

Ông Nguyễn Tấn Đông trả lời: Khi học ngành Cơ khí cũng như các ngành nghề khác, để có kết quả tốt và có cơ hội thăng tiến trong môi trường làm việc sau này, đòi hỏi trong quá trình làm việc, các bạn phải có kỹ năng tự học, sáng tạo.

Hầu như tất cả các doanh nghiệp bây giờ thường nói rằng, các bạn mới ra trường khi vào làm việc lại không có tính làm việc nhóm. Đó là cái các bạn trong quá trình học phải luôn có tinh thần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè để từng bước có kinh nghiệm làm việc nhóm.

Thêm nữa là vấn đề khắc phục những lúc khó khăn, các bạn mới khi vào làm thì đó cũng là điểm yếu mà các bạn cần trau dồi trong quá trình học tập.

Khó khăn về vấn đề thực hành trong ngành cơ khí là thiếu thiết bị, công cụ nâng cao tay nghề, dẫn đến các bạn rất bỡ ngỡ khi tiếp cận máy móc công nghệ cao, như máy CNC. Tôi từng chứng kiến một bạn khi mới vào làm thì hoàn toàn không biết gì về máy CNC.

CÂU HỎI GIAO LƯU VỚI KHÁN GIẢ

Câu hỏi đầu tiên từ em Cao Linh (17 tuổi) – độc giả Dân trí gửi tới các khách mời đó là: Nếu học Cơ khí, sinh viên cần chuẩn bị những gì? Năng lực, tính cách, tâm lý khi theo đuổi ngành này như thế nào.

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Nếu các bạn theo học ngành cơ khí, đặc biệt là ngành cơ khí CNC tính cách thì một trong những tính cách quan trọng hàng đầu đó là các bạn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận. Bởi vì lĩnh vực cơ khí nói chung và đặc biệt cơ khí CNC đòi hỏi độ chính xác khá cao. Độ chính xác không chỉ tính tới 1-2mm mà độ chính xác lên tới 1-2%mm.

Còn nói về năng lực, thực ra nếu các bạn mới ra trường thì không doanh nghiệp nào đòi hỏi yêu cầu quá cao ở bạn. Tại vì năng lực cấu thành từ 3 yếu tố (kiến thức, kỹ năng, thái độ.). Kiến thức các bạn học ở nhà trường thì các doanh nghiệp như công ty của mình yêu cầu nằm ở mức đại cương là nhiều. Còn về kỹ năng, các bạn chưa có thời gian thực hành thì chúng tôi cũng không thể yêu cầu các bạn có kỹ năng tay nghề cao luôn được. Điềuđó, doanh nghiệp sẽ đào tạo thêm cho các bạn.

Yếu tố quan trọng như từ đầu mình nói là ý thức và thái độ làm việc của các bạn. Các bạn không biết nhưng các bạn mong muốn, nỗ lực biết thì đó là điều đáng quý và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn cả. Doanh nghiệp của mình cũng không ngoại lệ.

Còn yếu tố về năng lực, mình nghĩ tất cả mọi người nếu không bị “thiểu năng” đều có thể làm việc trong ngành cơ khí. Còn về tính cách thì yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ. Mình nghĩ những bạn không có điều kiện để theo học đại học cao đẳng, các bạn chỉ cần học phổ thông cũng có thể theo nghề được.

Ông Nguyễn Tấn Đông trả lời: Tôi nghĩ rằng, học ngành cơ khí không đòi hỏi điều gì quá cao siêu cả. Tôi thấy rằng, người theo đuổi nghề cần chú trọng ba yếu tố để có cơ hội phát triển và thăng tiến sau này. Thứ nhất, sinh viên phải thích công việc này, đam mê máy móc, kĩ thuật. Nếu có một chút đam mê trong đó, các bạn sẽ dễ có động lực để học và theo đuổi kết quả nghề nghiệp. Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi các bạn có tinh thần hợp tác gọi chung là thái độ. Thứ ba là khả năng làm việc theo nhóm và chị áp lực công việc. Thêm nữa trong các môi trường lao động nhất là ở các doanh nghiệp nước ngoài thì điều không thể thiếu là phải có tính cẩn thận, không cẩu thả, làm việc phải gọn gàng ngăn nắp.

Một độc giả trẻ của Dân trí đặt câu hỏi độc giả gửi tới Trường CĐ FPT Polytechnic: Nhà trường có xưởng cho sinh viên thực hành hay không? Cách thức thực hành của sinh viên được nhà trường áp dụng như thế nào?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Như tôi đã giới thiệu, thời lượng thực hành trong khung chương trình đào tạo của ngành cơ khí rất quan trọng. Nó giúp cho các bạn sinh viên hoàn thiện và tích lũy được kỹ năng nghề. Qua đó cũng được dạy thêm các yêu cầu về kĩ năng mềm của nghề, tích hợp trong tất cả các nội dung thực hành.

Nhà trường có các xưởng cơ khí cơ bản, các xưởng gia công trên máy vạn năng, xưởng gia công trên máy CNC. Ngoài ra, chúng tôi có một hình thức nữa để giúp các bạn làm quen được với máy móc, chúng tôi thực hiện liên kết với doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tập thực hành tại xưởng và có thời gian làm dự án tại xưởng.

Quá trình đó giúp các bạn cập nhật được thêm các máy móc công nghệ mới và cơ hội để tìm hiểu phải biết các yêu cầu cụ thể của công việc. Qua đó, các bạn sẽ trưởng thành về nghề, về thái độ ý thức nghề, về tư duy nghề và giúp các bạn ra trường hòa nhập nhanh được với môi trường của doanh nghiệp.

Về cách thức thực hành của sinh viên, ngay trong giờ học, chúng tôi đã chia một nửa là lý thuyết, một nửa là thực hành. Những gì về mặt lý thuyết dạy xong là chuyển qua máy để thực hành, giúp các bạn có thời gian vừa hiểu về kiến thức vừa thực hành làm luôn nhằm kiểm tra, suy nghĩ đào sâu xem mình đã đạt yêu cầu chưa, thầy cô góp Ý thế nào các bạn sẽ sửa trực tiếp trong tiết học đó.

Sau khi các bạn được học kiến thức chúng tôi sẽ đưa các bạn xuống doanh nghiệp, cho các bạn có thời gian đi thực tập tại xưởng kéo dài từ 4-6 tháng tùy mỗi bạn. Đây là thời gian rất quý để các bạn có tinh thần học hỏi, sẵn sàng vào công việc nắm bắt yêu cầu về máy móc, quy trình để giúp các bạn nhanh nhất để ra nhập thị trường lao động khi kết thúc quá trình đào tạo tại trường.

Bạn độc giả có tên Nguyễn Hoàng Anh có thắc mắc như sau: Học cơ khí ngày nay khác gì so với trước đây?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Theo tôi nghĩ có hai điểm khác biệt cơ bản so với trước đây, nó đến từ thực tế công việc bay giờ.

Nếu trước đây những người làm cơ khí liên quan đến tay chân rất nhiều, trong môi trường làm việc khác với bây giờ. Còn ngày nay, thực tế các cơ khí doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có ngành gia công cơ khí chính xác trên máy CNC, thì yêu cầu làm việc của các bạn với máy móc sẽ có giai đoạn làm việc trên máy tính để thiết kế chi tiết, có giai đoạn lập trình vào máy CNC. Các thao tác trên máy tính có thể rất khác trước đây.

Trước đây, nếu có thể dùng mắt để quan sát trực tiếp và thần túy làm việc bằng tay chân thì bây giờ các bạn có thể phải học về hệ thống, học phần thiết kế trên máy công nghệ.

Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cũng như tay nghề, người học cơ khí được ngày nay được học và tiếp xúc rất nhiều tới các công nghệ số hiện đại như CNC, CAD/CAM… các môn học sử dụng máy vi tính khi thiết kế và lập trình điều khiển máy CNC gia công cơ khí chính xác…

Thứ hai, môi trường làm việc ngành cơ khí hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Tôi đi tham quan một số nhà xưởng làm việc trên máy CNC thì thấy môi trường rất sạch sẽ, cảm giác đấy như một nhà xưởng của doanh nghiệp trong ngành y tế. Các xưởng rất sạch sẽ, sáng sủa và làm việc trong máy lạnh rất mát. Có thể thấy nó khác biệt từ nội dung học trong môi trường gần giống như doanh nghiệp đến việc đi làm với những yêu cầu, môi trường khác trước đây.

Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều độc giả quan tâm. Bạn Việt Anh muốn hỏi các khác mời câu hỏi: Học xong Cơ khí, sinh viên có thể làm những vị trí công việc gì tại doanh nghiệp? Mức thu nhập trung bình khoảng bao nhiêu?

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Nếu nói sơ qua từ ví dụ của doanh nghiệp mình, sinh viên ra trường bắt đầu vào mình sẽ chia làm 4 cấp độ. Cấp độ đơn giản nhất là cấp độ làm thủ công, cấp độ tiếp theo là set up máy móc. Cấp độ cao hơn nữa là lập trình các chương trình giúp máy chạy. Và cấp độ cao nhất đó là làm quản lý, lãnh đạo. Lúc đó không còn là kỹ năng về nghề nghiệp. Quay lại các bạn mới ra trường thì các doanh nghiệp cơ khí có rất nhiều việc và nó phụ thuộc không nhỏ vào thái độ nhìn nhận công việc của các bạn.

Các bạn mong muốn là ai, doanh nghiệp sẽ bố trí công việc phù hợp với các bạn nó đi từ đơn giản cho thấy phức tạp. Vị trí cần thời gian cơ bản để luyện tập công việc, kỹ năng và làm ở vị trí nào cũng có những cái tinh hoa của đó dù là vị trí đơn giản nhất thì nó cũng có tinh hoa của việc. Nếu các bạn không chú tâm thì sau 3-5năm các bạn lên vị trí quản lý nhưng sẽ không có kinh nghiệm để chị dạy cho những người mới.

Cho nên các bạn yên tâm khi các bạn ra trường vào doanh nghiệp sẽ được bố trí rất nhiều việc phù hợp với năng lực. Không kể công việc khó dễ, các bạn sẽ đi từng bước và khi các bạn làm được công việc dễ thì các bạn sẽ được cấp trên giao cho những nhiệm vụ khó hơn.

Hiện tại có thể các bạn chưa hình dung được nhưng trong một tổ chức cơ cấu công việc sẽ có rất nhiều vị trí công việc dành cho các bạn. Còn về thu nhập, đây là câu hỏi tương đối xác đáng, vì ai đi học đi làm cũng quan tâm tới vấn đề này cả. Có thể mỗi công ty có mỗi cơ cấu trả lương khác nhau. Còn riêng với doanh nghiệp của mình với một môi trường trẻ và năng động, mình đang trả cho người lao động theo năng lực.

Nói chung để các bạn hiểu, nếu các bạn làm khoảng 2 năm thu nhập của các bạn sẽ rơi vào 10-12 triệu đồng. Dĩ nhiên trước đó khi các bạn vừa mới ra trường thì sẽ không có được thu nhập như vậy. Nghĩa là sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, các bạn vào doanh nghiệp thì giai đoạn đầu các bạn vẫn phải học và doanh nghiệp vẫntrả lương cho các bạn nhưng lương đó sẽ không đạt được mong muốn ban đầu như ý của các bạn. Nếu các bạn không kiên trì thì vô tình các bạn sẽ bị một cái “bẫy tài chính” khiến các bạn ra khỏi nghề. Tại vì ngành này tuổi đời kéo dài 40-50 năm chứ không chỉ 5-7 năm.

Và giai đoạn đầu, sau khi ra trường các bạn nên hướng tới mục tiêu của mình là học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thay vì đặt mục tiêu 1-2 năm đầu là tích lũy tài sản. Tại vì khi các bạn chưa có được năng lực gì, các bạn muốn thương lượng lương với doanh nghiệp nhưng trên tay các bạn không có một cái gì để thương lượng được thì đó là điểm yếu.

Các bạn trẻ khi vào công ty mình, mình luôn hướng dẫn các bạn trong vòng ít nhất 2 năm đầu các bạn tích lũy càng nhiều càng tốt có kinh nghiệm và ý thức nghề nghiệp kỹ năng nghề nghiệp. Sau khoảng 2-3 năm các bạn sẽ có kinh nghiệm kỹ năng sống tay và có thể thương lượng lương ở mức cao.

Ở công ty mình có một bạn sinh viên cũng học trường cao đẳng một bạn ra trường với tinh thần làm việc rất tốt, không cần bạn yêu cầu tăng lương nhưng hiện tại sau hơn 2 năm, thu nhập trung bình của bạn đạt từ 15-20 triệu (ngoài mức lương còn có thưởng). Các bạn sẽ được trả xứng đáng với mức thu nhập năng lực của mình. Tuy nhiên có một vài trường hợp đặc biệt người ta phát triển cố gắng theo hướng riêng còn nếu đại trà thì chỉ 2 năm kinh nghiệm thôi các bạn sẽ đạt từ 10-12 triệu. Và khi các bạn làm càng lâu thì xong nhỉ đến 5-10 năm, mức lương mà bạn đạt được sẽ xứng đáng với đóng góp của bạn trong doanh nghiệp.

Câu hỏi tiếp theo đến từ một vị phụ huynh ở Nam Định có ý định cho con theo học ngành Cơ khí: Học Cơ khí ở bậc Cao đẳng liệu có đủ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không?

Ông Mạnh Hoàng trả lời: Đối với doanh nghiệp của mình, học cao đẳng hoàn toàn có thể đáp ứng được. Mình khẳng định luôn. Đối với các bạn học đại học bên mình vẫn có tuyển dụng nhưng các bạn sẽ được hướng dẫn đào tạo để đạt level quản lý và sản xuất. Còn nói về tay nghề, chưa chắc các bạn học đại học đã có tay nghề bằng các bạn học cao đẳng đó là thực tế.

Khi các bạn học cao đẳng các bạn sẽ có kĩ năng thực hành quen tay, hay không bằng tay quen. Tốt nghiệp cao đẳng là đối tượng mà nhiều doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng để làm việc để trở thành những người lao động có tay nghề cao. Và nhu cầu xã hội thực tế đang rất thiếu. Hiện tại bậc đại học ở Việt Nam đào tạo ra tương đối nhiều nhưng mà các bạn có tay nghề thì đang tương đối thiếu hụt. Doanh nghiệp mình và nhiều doanh nghiệp khác đang gặp phải tình trạng như vậy.

 Và sau đây là câu hỏi của độc giả Phan Tùng (Hải Dương): Học sinh học khối nào, yêu cầu gì để có thể theo học ngành Cơ khí?

Ông Trần Vân Nam trả lời: “Biết người, biết ta. Trăm trận, trăm thắng.” Ta cần hiểu rõ ngành này có đặc điểm gì để có thể học nó cho tốt.

Thứ nhất, đây là một ngành kỹ thuật thiên về tư duy logic, tính toán, cơ chế vận hành, nguyên lý vật lý,… Vì thế, bạn nào là người thiên hướng học các môn tự nhiên có thể học ngành này tốt hơn. Một tâm hồn nghệ sĩ, mơ mộng bay bổng thì khó có thể mà chuyên tâm học tốt ngành này.

Thứ hai, sinh viên tốt nghiệp trở kỹ sư vận hành máy công cơ khí chính xác CNC, làm ra các sản phẩm rất chính xác hoặc làm các công việc lắp ráp, sửa chữa, bảo trì máy móc nên ngành này yêu cầu sinh viên phải cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì. Nữ cũng có khả năng và lợi thế khi làm trong ngành Cơ khí tại các vị trí việc làm đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ như đo, kiểm tra sản phẩm gia công cơ khí chính xác, hoặc thiết kế cơ khí, lập trình máy CNC.

Câu hỏi tiếp tục dành cho đại diện Trường CĐ FPT Polytechnic – ông Trần Văn Nam đến từ bạn Trần Văn Sỹ (Bắc Giang): Hướng tới 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường, FPT Polytechnic đã và đang áp dụng những giải pháp nào để đạt được kỳ vọng này?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Nếu hướng đến 100% sinh viên ra trường có việc làm, thì như tôi đã nói là đầu tiên mình phải biết chọn những lĩnh vực đào tạo thị trường đang có nhu cầu, thì tự nhiên nó có lực hút lớn để giải quyết việc làm.

Chúng tôi chọn hướng đào tạo liên quan đến gia công cơ khí và dùng trên các máy công nghệ CNC, tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là ngành đang rất phát triển. Như anh Hoàng đã nói thì ta mới chỉ bước vào giai đoạn đầu tiên của ngành công nghiệp này thôi, có thể đến 40-50 năm nữa chúng ta mới đạt đến đỉnh của nó, điểm bão hòa của ngành này.

Cho nên chúng tôi chọn lĩnh vực đang có cơ hội phát triển tốt, đó là một khả năng để chúng tôi giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên.

Qua hợp tác với doanh nghiệp,chúng tôi lấy được yêu cầu cụ thể của chính doanh nghiệp để chúng tôi thiết kế khung chương trình đào tạo. Việc xây dựng chương trình đào tạo, góp ý, phản biện chương trình đó thì chúng tôi có hàm lượng của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp cùng nhà trường xây dựng nội dung đào tạo, đó là một nội dung cực kỳ quan trọng.

Thứ 3 là chúng tôi chọn giải pháp hợp tác. Nếu có thị trường, nhu cầu nhưng mà mối quan hệ, gắn kết chưa có thì rất khó để giải quyết cơ hội việc làm cho sinh viên. Chúng tôi đang là một thành viên trong Hội Cơ khí điện TPHCM. Chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành để làm sao gắn kết được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, ký kết thỏa thuận hợp tác.

Đến thời điểm hiện nay, nhà trường đã có 16 thỏa thuận hợp tác tại TPHCM để lo cho việc thực tập, thực hành, đầu ra cho các bạn tại các doanh nghiệp, số doanh nghiệp này chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việc hợp tác này giúp chúng tôi gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia xây dựng mô tả yêu cầu dự án tốt nghiệp, đánh giá chất lượng sinh viên thì kết thúc quá trình đào tạo tại trường, các bạn sẽ bước vào quá trình tuyển dụng tại doanh nghiệp.

Đó là cách chúng tôi giải quyết câu chuyện việc làm cho sinh viên trong ngành này.

Độc giả Hoàng Thành gửi câu hỏi đến ông Tấn Đông như sau: Cơ hội phát triển nghề nghiệp của sinh viên học cơ khí ra làm trong công ty MTEX như thế nào? Mức thu nhập của vị trí việc làm này?

Ông Nguyễn Tấn Đông trả lời: Về vị trí và nhu cầu tuyển dụng của công ty tôi phần lớn tập trung vào một số công việc. Thứ nhất là thiết kế thi công, ví dụ như những mã hàng mới, từ bản vẽ thành phẩm mình sẽ hoạch định ra bản vẽ của từng công đoạn, đó là thiết lập những mã sản phẩm mới. Lập kế hoạch lắp đặt, vận hành thiết bị máy móc mới.

Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng vẫn có thể tham gia vào sửa chữa, bảo trì máy móc của nhà xưởng, đề xuất giải pháp cải tiến máy móc thiết bị. Sau khi có kinh nghiệm rồi có thể xem xét đến vấn đề quản lý nhân sự, kỹ thuật.

Khi các bạn mới vào, giai đoạn đầu là giai đoạn công ty đào tạo, các bạn phải kiên trì học. Khoảng 2-3 năm khi có kinh nghiệm, tay nghề cao rồi thì mức lương không bao giờ dưới 10 triệu, nếu lên cấp độ quản lý thì sẽ khoảng từ 10-30 triệu đồng.

Bạn Xuân Anh gửi đến ông Tấn Đông băn khoăn: Em là nữ, có nên theo đuổi ngành Cơ khí hay không? Hay ngành này chỉ dành cho nam giới?

Ông Nguyễn Tấn Đông trả lời: Đối với ngành Cơ khí thì nam và nữ đều có thể học. Vấn đề chung là mọi người thường nghĩ ngành này nặng nhọc, tiếp xúc với dầu mỡ, dơ bẩn, thành ra không phù hợp với nữ.

Nhưng khi bạn là một kỹ thuật viên cơ khí rồi, thì các bạn sẽ làm việc phần lớn dùng đầu óc chứ không phải làm tay chân. Nhất là hiện nay trong lĩnh vực cơ khí có máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ, con người chủ yếu thao tác, điều khiển trên máy tính để lập trình, viết chương trình, mô phỏng trên máy tính, sau đó đưa chương trình vào máy CNC và hầu như là không cần thao tác đứng máy nhiều, chỉ cần điều khiển đơn giản bằng máy tính CNC thì mình cũng có thể cắt chi tiết kim loại theo bản vẽ mong muốn.

Các bạn nữ có tính tỉ mỉ cao, phù hợp trong vấn đề kiểm tra kích thước, kiểm tra ngoại quan. Hiện tại trong ngành Cơ khí thiếu kỹ thuật viên cơ khí là nữ. Chỉ có cái đáng ngại là các bạn nữ thường bị bạn nam trêu chọc khi học ngành Cơ khí. Nhưng mình nghĩ chuyện trêu chọc là cái hãnh diện chứ đừng nghĩ rằng như vậy mà mắc cỡ.

Câu hỏi tiếp theo dành cho ông Mạnh Hoàng đến từ một độc giả nam 36 tuổi đến từ Hà Nội: Doanh nghiệp liên kết hợp tác với các đơn vị đào tạo để chuẩn bị cho tuyển dụng nguồn nhân lực tương lai ra sao?

Ông Phan Mạnh Hoàng trả lời: Hiện tại doanh nghiệp của đang làm việc với một số trường cao đẳng gần công ty, chúng tôi liên kết và tạo các khóa thực hành kéo dài từ 6-8 tháng tùy vào mỗi trường. Đây là nguồn lực trong tương lai khi các bạn làm thực tập xong, thực ra trong quá trình thực hành của khóa này ,các bạn tới công ty của tôi thực tập như một nhân viên bình thường trong thời gian hơn nửa năm. Công ty sẽ bố trí các công việc từ dễ tới khó, các bạn có môi trường học thực tế đó là tham gia vào chuỗi sản xuất của công ty tôi luôn.

Phần nhiều các bạn tham gia khóa thực hành ở chỗ tôi như vậy thì sau khi ra trường công ty tôi sẽ giữ lại. Công ty tôi cũng như phần nhiều công ty cơ khí khác, đang trong giai đoạn tăng trưởng nên nhu cầu tuyển dụng lúc nào cũng có. Tới giờ bên tôi mới đang thực hiện đến khóa thực hành thứ 2-3 thôi, nhưng phần nhiều các nhóm thực hành đó đang tiếp tục ở lại làm việc cho công ty.

Đó là cách công ty tôi tuyển dụng. Thực ra nhiều công ty như tôi mong muốn tuyển các bạn không có kinh nghiệm. Không hẳn là các bạn có kinh nghiệm vào làm thì hệ thống công ty đã tốt. Mà các bạn như tờ giấy trắng, vậy bên tôi sẽ có hệ thống gọi là bộ xương của nhân viên trong công ty, những leaders đó sẽ hướng dẫn các bạn. Việc truyền đạt sẽ dễ hơn đối với các bạn có kinh nghiệm 1-2 năm ở các công ty khác, vậy nên mình rất quý các bạn mới ra trường.

 Và câu hỏi cuối cùng của một độc giả Dân trí trẻ sẽ dành cho ông Vân Nam: Sau khi theo học ngành Cơ khí của trường FPT Polytechnic có nhà trường có hỗ trợ tìm kiếm việc làm không ạ? Chúng em có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài không?

Ông Trần Vân Nam trả lời: Như tôi đã nói, việc gắn kết với doanh nghiệp là một trong những chủ trương xuyên suốt trong quá trình đào tạo, thành triết lý của nhà trường “Thực học phải đi với thực nghiệp”.

Việc sinh viên học cơ khí có được nhà trường hỗ trợ tìm kiếm việc làm hay không? Ngay trong tổ chức đào tạo của chúng tôi, từ việc chúng tôi ký hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành, là thành viên tích cực của Hội Cơ khí điện TPHCM, để làm sao kết nối với tất cả các doanh nghiệp trong Hội để lấy nhu cầu, góp ý để xây dựng khung chương trình đào tạo.

Hằng năm, chúng tôi sẽ có những hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp có nhu cầu để làm sao đưa các em sinh viên đến thực tập như chương trình anh Hoàng đã chia sẻ. Sắp tới sẽ có một chương trình như thế với công ty của anh Hoàng.

Chính quá trình gắn kết với doanh nghiệp như vậy, khi kết thúc quá trình học tập, thực tập tại doanh nghiệp, các bạn đã gắn với quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp, thông tin trong hiệp hội với các doanh nghiệp, chúng tôi đang kết nối để giới thiệu với các em trong các cổng việc làm của nhà trường. Định kỳ hàng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội việc làm. Chúng tôi kết nối trong ngày hội đó nhiều thông tin của doanh nghiệp. Những hoạt động hàng ngày, thường xuyên thì chúng tôi cung cấp cho sinh viên qua các kênh thông tin.

Ngoài ra chúng tôi còn có Phòng quan hệ doanh nghiệp ở trong trường, đây là đơn vị kết nối, giới thiệu việc làm cho các em sinh viên khi các em có nhu cầu tìm việc làm hay doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Chúng tôi là đầu mối kết nối 2 nguồn này với nhau giữa nhà tuyển dụng và người lao động.

Chúng tôi đã tổ chức mô hình như vậy và đã rất hiệu quả qua các năm vừa rồi, ở tất cả các ngành khác nhau, ngành Cơ khí là một ví dụ. Chúng tôi cũng đặc biệt ưu tiên cho những ngành có cơ hội phát triển tốt, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đang nóng.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2024

  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *