Nhiều ngành tại ĐH Sư phạm TP.HCM, Học viện Ngân hàng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có mức điểm chuẩn học bạ trên 29.
Tối 5/7, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Với phương thức xét kết quả học tập THPT, điểm chuẩn các ngành nằm trong khoảng 24,24-29,73. Ngành Sư phạm Hóa học có mức điểm trúng tuyển cao nhất.
Các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học cũng có mức điểm chuẩn trên 29, lần lượt là 29,55; 29,5 và 29,28.
Ở phương thức này, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình của 3 môn học 6 học kỳ ở THPT (tương ứng với tổ hợp môn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023) cộng điểm ưu tiên. Như vậy, nếu không được cộng ưu tiên, mỗi môn, thí sinh phải đạt trung bình ít nhất 9,76 mới đỗ các ngành trên 29 điểm. Điểm chuẩn học bạ cụ thể các ngành như sau:
Với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt, điểm chuẩn các ngành dao động 15,63-26,49. Sư phạm Vật lý là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất.
Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (được quy đổi về thang điểm 10) của môn chính (được nhân hệ số 2), cộng với điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp là điểm trung bình môn trong 6 học kỳ ở THPT. Tổng điểm này được quy đổi về thang điểm 30 và cộng điểm ưu tiên. Mức điểm chuẩn cụ thể các ngành như sau:
Tại Học viện Ngân hàng, nhiều ngành cũng có mức điểm chuẩn học bạ trên 29 (thang điểm 30). Cụ thể, các ngành Ngân hàng, Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đều có mức điểm chuẩn 29,8.
Ba ngành khác cũng có mức điểm chuẩn trên 29 gồm Kinh tế (29,72), Hệ thống thông tin quản lý (29,76), Công nghệ thông tin (29,79).
Điểm xét tuyển các ngành này tính như sau: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình 3 môn (thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển) + điểm cộng khuyến khích + điểm ưu tiên. Nhà trường cộng 1,5-3 điểm khuyến khích cho các học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, học sinh chuyên.
Với các chương trình chất lượng cao, điểm chuẩn học bạ được tính trên thang 40, cách tính điểm như trên nhưng môn Toán nhân hệ số 2. Mức điểm chuẩn ở phương thức này dao động 36-37 điểm.
Ở phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ quốc tế, điểm chuẩn nằm trong khoảng 20-23,3. Điểm xét tuyển = (Điểm chứng chỉ quốc tế/thang điểm tối đa của chứng chỉ) x 30 + điểm ưu tiên.
Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, nhà trường thông báo lấy thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên. Cách tính điểm như sau: Điểm xét tuyển = (Điểm kết quả thi đánh giá năng lực/150) x 30 + điểm ưu tiên.
Điểm chuẩn cụ thể các ngành tại Học viện Ngân hàng như sau:
Trước đó, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng công bố điểm chuẩn sớm, trong đó, điểm chuẩn nhiều ngành ở mức 28-29 điểm.
Cụ thể, ở phương thức xét tuyển học bạ đối với học sinh các trường ngoài trường chuyên, trường top 200, điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Anh (đại trà), Công nghệ thông tin (CLC tiếng Việt) là 29 điểm, ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà) lấy 28,75 điểm…
Ngoài ra, xét học bạ THPT kết hợp với điểm thi năng khiếu có điểm chuẩn 21-25 điểm, xét học bạ THPT đối với các trường THPT liên kết – diện trường chuyên có điểm chuẩn 20-27 điểm. Thí sinh xem chi tiết tại đây.
Theo Báo Mới