Tuyển sinh 2023: Thí sinh lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

10:09 13/03/2023

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT, Kinh doanh và quản lý là lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất. Đặc biệt, cách tính điểm ưu tiên mới trong tuyển sinh đại học năm nay.

Tuyển sinh 2023, thí sinh lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, có 3 nhóm ngành đạt tỷ lệ tuyển sinh cao nhất trong toàn hệ thống. Các nhóm ngành có vị trí xếp từ cao xuống thấp cụ thể là: Kinh doanh và quản lý – 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin – 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%. Đây cũng là những nhóm ngành thường xuyên duy trì ở tốp dẫn đầu trong nhiều năm qua.

Bộ GD&ĐT cũng công bố 4 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học ít nhất năm 2022 gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội. Cụ thể, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.

Những số liệu trên là kênh thông tin để thí sinh có thể tham khảo trong quá trình lựa chọn, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023. Các nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học ít có thể do trường chưa đủ sức hút với sinh viên, nhưng không có nghĩa là không có cơ hội việc làm tốt. Thực tế, đây là những ngành mà xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng khá cao.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trước tiên là năng lực học tập, tiếp đến là nguyện vọng cá nhân, sở trường và các yếu tố liên quan khác…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, thí sinh không nên chạy theo trào lưu, theo số đông để đăng ký nguyện vọng không phù hợp, gây tốn kém kinh phí, thời gian, thậm chí có hiện tượng sinh viên phải bỏ học giữa chừng…

Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo, các cơ sở đào tạo trên cả nước cần nắm bắt thông tin từ thị trường lao động, sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường và chọn ngành của thí sinh để xây dựng đề án tuyển sinh năm 2023 phù hợp, hiệu quả. Các nhà trường cũng cần đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, cải thiện môi trường và tăng cường truyền thông.

Cách tính điểm ưu tiên mới trong tuyển sinh Đại Học

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, đại diện Bộ GD&ĐT đã chia sẻ chi tiết cách tính điểm ưu tiên mới trong tuyển sinh đại học năm nay.

Theo đó, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần (công thức tính mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường).  Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.

Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Trước khi đưa ra điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT đã thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp. Như vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển đại học từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Việc áp dụng này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác; các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.

Năm 2023, các trường sẽ phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển.

Để hạn chế nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do, các sở GD&ĐT, các trường THPT tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh.

Thí sinh nộp minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên tại thời điểm đăng ký dự thi, điểm tiếp nhận chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, xác nhận ưu tiên cho thí sinh, áp dụng điểm ưu tiên.

Theo Báo dân sinh

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2024

  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *