Thiết bị tự động gọi thông báo đến người sử dụng khi xảy ra sự cố, thiết bị tự động cho gia súc ăn theo thời gian định sẵn, robot định vị bằng camera…là những thiết bị thiết thực có thể ứng dụng vào đời sống hàng ngày được chính sinh viên ngành Lập trình Máy tính – Thiết bị di động Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên thiết kế đã ra mắt các thầy cô trong ngày bảo vệ hết môn vừa qua.
Với đề tài “hệ thống báo cháy” của mình, Cao Tiến Thành – sinh viên ngành Lập trình máy tính – Thiết bị di động, Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên đã tự tin khi trình bày những ưu điểm lớn nhất của sản phẩm để có thể dễ dàng sử dụng thiết bị thông minh này.
Chia sẻ lý do thực hiện sản phẩm này, Tiến Thành cho biết: “Mình quyết định chọn ý tưởng này để kết thúc môn Lập trình C Ardurino là vì chứng kiến nhiều cảnh cháy nổ do chập điện, hoặc quên tắt bếp ga của nhiều gia đình nên nếu nhà nào cũng ứng dụng sản phẩm thông minh này thì sẽ không còn xảy ra tình trạng đáng tiếc xảy ra nữa”. Đặc biệt, trong thiết bị báo cháy của Thành là thiết bị có sử dụng sim điện thoại kết nối với dữ liệu của người sử dụng nên khi xảy ra sự cố, sim sẽ kích hoạt thông báo ngay cho chủ nhà để xử lý trước khi xảy ra cháy nổ.
Còn đối với Phan Sỹ Đạt, cậu sinh viên xuất thân trong gia đình thuần nông lại chọn chủ đề thiết thực với cuộc sống của người nông dân để thực hiện dự án kết thúc môn. Hệ thống tưới nước tự động đã được Sỹ Đạt xây dựng và thực nghiệm trên chính vườn rẫy của gia đình mình, đây là sản phẩm mang tính thực tế và ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày. Sỹ Đạt và Hoàng Hồng Sơn đã cùng nhau triển khai ý tưởng và 2 cậu bạn cho biết: “Vì đây mới chỉ là môn học sơ khởi nên nhóm mình chỉ có thể áp dụng được ở mức sử dụng cảm biến đo độ ẩm kết nối với máy tính để thực hiện được thiết bị phun tưới nước , nhưng sau này khi qua đến môn học sau mình sẽ thiết kế thiết bị có thể kết nối với ứng dụng Smartphone để hiện đại hoá sản phẩm của mình để có thể ứng dụng vào thực tế tại nhiều vườn rẫy cà phê ở Đắk Lắk”.
Một trong những sản phẩm nhận được sự đánh giá khá cao của giảng viên hướng dẫn đó chính là sản phẩm rô bốt tự động tránh vật cản của bạn Bùi Văn Tuấn. Để thực hiện được sản phẩm này Tuấn đã đầu tư khá nhiều thời gian công sức của mình, chia sẻ về lý do chọn sản phẩm này để cho môn học Tuấn cho biết: “Mình rất đam mê về công nghệ chế tạo rô bốt nên khi học đến môn này, mình đã nghĩ ngay đến việc phát triển một mô hình rô bốt đơn giản để thoả mãn sáng tạo. Trong tương lai khi học sâu hơn ở các môn khác mình sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn thiện thêm về sản phẩm của mình. Một trong những điều khó khăn nhất khi thực hiện sản phẩm đó là mình phải xử lý code để xe chạy và tránh vật cản một cách hợp lý”.
Nhận xét về chất lượng sản phẩm của sinh viên trong buổi bảo vệ, cô Đỗ Thị Bích Vân – Giảng viên CNTT cho biết: “ Những sản phẩm mà các bạn sinh viên đã thực hiện rất thiết thực và có tính ứng dụng cao trong đời sống, so với yêu cầu của môn học thì tôi đánh giá rất cao khả năng của các bạn khi biết chọn những đề tài mang tính thực tế ”.
Với việc áp dụng kiến thức đã học trên lớp vào thực tế, thời gian vừa qua, sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên đã cho ra đời nhiều dự án thiết thực với cuộc sống và môi trường làm việc tại Tây Nguyên. Hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều sản phẩm ứng dụng của sinh viên ngành Công nghệ thông tin gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.