Nhóm SPVZone gồm 3 bạn: Nguyễn Ngọc Kha (leader), Phạm Thanh Bình , Phan Tấn Lộc đều là sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin, Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng. SPVZone đã mang đến StarUp Kite 2021 giải pháp phân loại màu sắc đối tượng tiêm chủng, góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid 19 hiện nay.
Cuộc thi StarUp Kite “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” là cuộc thi uy tín do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức. Hằng năm, nhiều nhóm sinh viên của tổ chức giáo dục FPT nói chung và Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng nói riêng đều mang đến chương trình nhiều ý tưởng đặc sắc, mới lạ, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú, gây ấn tượng với ban giám khảo. Đặc biệt, trong số đó, rất nhiều nhóm sinh viên đã đạt được giải thưởng lớn.
Đến với StarUp Kite năm nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid 19 cũng như mong muốn có một giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp trong thời điểm này, nhóm SPVZone gồm 3 bạn: Nguyễn Ngọc Kha (leader), Phạm Thanh Bình , Phan Tấn Lộc đều là sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo khi trình bày về ý tưởng phân loại màu sắc đối tượng tiêm chủng, cảnh báo những khu vực nguy cơ lây nhiễm, lưu lại những địa điểm người dùng đã đi qua,… tất cả được tích hợp trong một ứng dụng công nghệ. Trong dự án đặc biệt nhân văn này, nhóm SPVZone đã phát huy tối đa khả năng, kiến thức IT của mình để ứng dụng vào cuộc thi một cách triệt để nhất.
Trình bày tại vòng chung kết cuộc thi StarUp Kite 2021, bạn Nguyễn Ngọc Kha (leader) chia sẻ: “Nội dung chúng em đưa ra là giải pháp phân loại màu sắc cho đối tượng tiêm chủng nhằm kiểm soát số lượng người dân trong thời đại dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Vì sao chúng em lại chọn lý do này, Đà Nẵng đến nay là đã bùng dịch trở lại lần thứ tư. Khi lần tìm đối tượng liên quan f0 chính phủ đã phải lên thời gian kế hoạch mất nhiều thời gian cụ thể là 7 ngày nối tiếp 7 ngày. Điều đó khiến cho người dân hết sức mệt mỏi. Mặt khác trong quá trình tìm kiếm, những khu vực khác ở vùng xanh hay vàng đều có nguy cơ nhiễm lại rất cao mà không có sự kiểm soát, tình trạng cung cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp một cách tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ. Nên nhóm chúng em đưa ra giải pháp SPVZone này”.
Với SPVZone, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát số lượng người đã tiêm để có thể cảnh báo cho những điểm chốt có số lượt đi lại không an toàn. Ngoài ra, công cụ này còn giúp ghi chép lại từng tuyến đường của từng người và được lưu trữ cùng chứng minh nhân dân/CCCD của mỗi người. Điều này giúp cơ quan có thể nhanh chóng tìm ra được các đối tượng có liên quan thay vì phải tra hỏi đối tượng f0, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo được sự chính xác.
Với giải pháp ứng dụng công nghệ vào đời sống như vậy, nhóm SPVZone thực sự gây án tượng với ban giám khảo cuộc thi StartUp Kite 2021. Tuy nhiên, theo những đánh giá chung của ban giám khảo, đây là ý tưởng khởi nghiệp mang tính nhân văn nhiều hơn, nhưng vẫn phải cẫn xem lại về yếu tố kinh doanh để được tối ưu hóa lợi nhuận. Với những chia sẻ thẳng thắn từ ban giám khảo, nhóm SPVZone cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để hoàn thanh dự án của nhóm hơn.
Sau khi dự án được trình bày, rất nhiều ý kiến được đưa ra. Các bạn nhóm SPVZone đã có những bài học để hoàn thiện dự án này một cách tốt hơn nữa. FPT Polytechnic Đà Nẵng cảm thấy vô cùng tự hào khi những sinh viên ngành Công nghệ thông tin ứng dụng những kiến thức, kỹ năng được học để tạo ra những ứng dụng phục vụ cuộc sống.
Bạn Phạm Tấn Lộc – Thành viên nhóm SPVZone chia sẻ: “ Sau chương trình nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Chúng em cũng có nhiều bài học rút ra. Khi lên ý tưởng chưa định hình được giá cả và các thu lãi như thế nào ? Nhóm chúng em xuất phát điểm là ngành IT nên chưa có nhiều kiến thức kinh doanh. Một khó khăn tiếp theo nữa là về quá trình lên ý tưởng có những câu hỏi khá là khó trả lời ví dụ: Nếu trong 1 2 năm tới dịch kết thúc thì app này sẽ ra sao? Hay là cái sự khác biệt để có thể cạnh tranh với các app khác là gì? Đây cũng vừa là một thách thức, vừa là nguồn động lực để nhóm ngày càng hoàn thiện và phát triển ý tưởng thành công hơn nữa”.
SPVZone đã chiếm được rất nhiều tình cảm của hội đồng ban giám khảo. Sau mỗi cuộc thi, các bạn đã trưởng thành hơn rất nhiều, nhìn nhận ra những điểm thiếu sót và phát triển những điểm mạnh của bản thân. StartUp Kite đối với SPVZone như là cơ hội để giao lưu, học tập, làm quen với những bạn sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Hy vọng, SPVZone nói riêng và toàn thể sinh viên FPT Polytechnic nói chung đều giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, không ngừng học hỏi, phát triển bản thân để có thể tự tin vững bước trên con đường sự nghiệp trong tương lai.