Tại FPT Polytechnic TP HCM, tinh thần khởi nghiệp không chỉ được giảng dạy mà còn được thực hành ngay trong quá trình học. Nhóm sinh viên “Đặc Sản Quê Việt,” thuộc khóa 18.3 chuyên ngành Digital Marketing, đã biến dự án tốt nghiệp thành một dự án khởi nghiệp thực thụ, mang hương vị quê hương đến gần hơn với mọi người.
Nhóm “Đặc Sản Quê Việt” gồm những thành viên đầy nhiệt huyết và tài năng:
- Trần Thanh Hữu: Trưởng nhóm, chuyên về quản lý dự án kiêm phụ trách nội dung kênh TikTok và các hoạt động trên sàn TikTok shop. Hữu là một cá nhân cầu tiến, luôn mong muốn kết nối mọi người qua những sản phẩm quê hương. Anh từng là quán quân cuộc thi khởi nghiệp Fpoly mùa 2 năm 2023 và đạt top 10 toàn quốc giải xây dựng kế hoạch kinh doanh cho tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Vina T&T trong cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2023.
- Nguyễn Hoàng Danh: Chuyên viên thiết kế, đảm nhiệm việc tạo ra bao bì và hình ảnh sản phẩm, đồng thời quản lý kênh Facebook của dự án. Với sự sáng tạo của mình, Danh đã mang đến vẻ đẹp và sự hấp dẫn cho từng sản phẩm. Danh cũng từng là đạt giải cao trong nhiều cuộc thi của trường do bộ môn tổ chức.
- Đỗ Hữu Tình: Chuyên viên marketing cho sàn Shopee, chịu trách nhiệm cho các hoạt động truyền thông và quảng bá sản phẩm. Tình luôn tìm tòi các xu hướng mới để thu hút khách hàng.
- Hà Thị Như Quỳnh: Quản lý nội dung, phụ trách viết nội dung cho website và các nền tảng truyền thông. Quỳnh mang đến những câu chuyện thú vị và sâu sắc về sản phẩm quê hương.
Hành trình khởi nghiệp từ ghế nhà trường: Thực Học – Thực Nghiệp
Với sự hỗ trợ từ các giảng viên và chương trình học thực tiễn tại FPT Polytechnic, nhóm đã xây dựng được một kế hoạch chi tiết từ khâu thiết kế bao bì đến các chiến dịch marketing. Nhóm không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra một thương hiệu mang đậm bản sắc quê hương, với mong muốn dự án vượt ra ngoài mục tiêu tốt nghiệp để trở thành một cơ hội khởi nghiệp thực sự.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, các thành viên của nhóm đã áp dụng những kiến thức lý thuyết từ giảng đường vào từng khía cạnh của khởi nghiệp. Thanh Hữu, trưởng nhóm, chia sẻ: “Chúng mình muốn chứng minh rằng những gì đã học không chỉ là lý thuyết. Dự án này là cơ hội để chúng mình thực hành, học hỏi từ thực tế và rút ra bài học cho bản thân”.
Để đảm bảo sự thành công của dự án, nhóm đã không ngừng thử nghiệm testing sản phẩm chủ lực qua các chiến lược marketing khác nhau, từ thiết kế bao bì đến việc xây dựng gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Hoàng Danh, chuyên viên thiết kế, cho biết: “Mỗi sản phẩm đều phải phản ánh được giá trị văn hóa quê hương. Chúng mình đã đầu tư rất nhiều công sức vào thiết kế, bối cảnh để mỗi chi tiết nhỏ đều mang ý nghĩa sâu sắc”.
Trong hành trình thực hiện dự án “Đặc Sản Quê Việt,” sự hỗ trợ quý báu từ các giảng viên, đặc biệt là thầy Huỳnh Trầm Anh Khoa, đã đóng vai trò quan trọng. Hà Quỳnh cho hay: “Thầy Khoa không chỉ cung cấp cho chúng mình những kiến thức lý thuyết mà còn khuyến khích chúng em tư duy sáng tạo và ứng dụng thực tế”.
Sự tận tâm của thầy đã truyền cảm hứng cho từng thành viên, giúp các bạn trẻ tự tin hơn trong việc thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ chính những gì mình đã học.
Thành công bất ngờ với gần 500 đơn hàng chỉ sau 7 ngày mở bán
Sau 7 ngày kể từ khi bắt đầu bán hàng, nhóm đã bán được gần 500 đơn hàng nhờ vào các hoạt động marketing hiệu quả như livestream, đăng bài trên mạng xã hội, và xây dựng chuỗi nội dung phong phú qua các video và tối ưu nội dung sản phẩm. Kết quả này không chỉ chứng minh sự hiệu quả của chiến lược marketing đã học tại trường mà còn cho thấy giá trị của việc áp dụng kiến thức được giảng dạy của các thầy cô bộ môn Thương mại điện tử vào thực tế.
Nhóm đã khiến mọi người bất ngờ khi chọn bao bì sản phẩm là điểm nhấn quan trọng. Bao bì được thiết kế phản ánh văn hóa và truyền thống quê hương với màu sắc ấm áp cùng những thông điệp như “Xa quê nhưng không xa vị” và “Gói trọn vị Quê.” Những thông điệp này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn gợi nhớ cho những người xa quê về hương vị của quê nhà.
Nhóm đã đầu tư vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu nhất quán. Mỗi sản phẩm đều đi kèm với hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, từ cảnh sắc thiên nhiên đến các món ăn truyền thống. Nhóm mong muốn mỗi khách hàng khi nhìn thấy sản phẩm sẽ cảm nhận được sự thân thuộc và ấm áp của quê hương.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn tạo ra những video giới thiệu sản phẩm được quay tại bối cảnh quê hương, tự dàn dựng. Những video này không chỉ mang lại hình ảnh sinh động về sản phẩm mà còn truyền tải tâm tư, tình cảm và niềm đam mê của nhóm đối với đặc sản quê hương.
Ngoài ra, nhóm “Đặc sản quê Việt” đã xây dựng một website thương mại điện tử chuẩn chỉnh, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và đặt hàng, từ đó tạo thuận lợi cho việc giao tiếp và mua sắm. Các bạn rất chú trọng đến việc tối ưu gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và TikTok. Để hiện thực hóa điều này, nhóm đã thiết kế gian hàng một cách chuyên nghiệp với các yếu tố hấp dẫn như hình ảnh sản phẩm chất lượng cao, mô tả sản phẩm chi tiết, thông tin liên hệ rõ ràng, và khuyến mãi hấp dẫn.
Thông tin dự án:
Website: dacsanqueviet.com
TikTok: https://www.tiktok.com/@dacsanqueviet.com
Fanpage: https://www.facebook.com/dacsanqueviet.hcm
Shopee: shopee.vn/dacsanqueviet
Giảng viên Phan Thị Đài Trang
Bộ môn Thương mại điện tử
FPT Polytechnic TP HCM