“Điệu hò xứ Nam” – Dự án tốt nghiệp mang đậm bản sắc văn hoá Nam Bộ của sinh viên FPT Polytechnic Cần Thơ

16:07 01/12/2024

Vào ngày 14/11 vừa qua, nhóm sinh viên thuộc chuyên ngành Truyền thông & Tổ chức sự kiện K18.3 trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ đã tổ chức thành công đêm trình diễn nghệ thuật mang tên “Điệu hò xứ Nam”. Dự án được thực hiện bởi sự kết hợp giữa hai nhóm Dreamer và The Win Team, với mong muốn giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc trong văn hóa xuôi dòng miền Nam qua từng câu hò. 

Sau chuỗi thời gian dài gần 3 tháng trong công tác lên kế hoạch và chuẩn bị, “Điệu hò xứ Nam” đã thu hút được hơn 300 lượt quan tâm của khán giả dành cho fanpage của dự án. Tại đêm trình diễn nghệ thuật ngày 14/11, gần 200 khán giả đã có mặt tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ để thưởng thức những màn trình diễn ấn tượng đến từ các diễn viên hò, nhạc công và nhóm múa.

Sự kiện đã nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng từ phía Nhà trường, Quý thầy cô, Quý nhà tài trợ và Quý khán giả trong và ngoài trường.

Với dự án “Điệu hò xứ Nam”Dreamer và The Win Team mong muốn rằng có thể mang hò đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ và các bạn sinh viên đang học tại trường. Dự án được tạo nên với mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua từng câu hò, đồng thời tôn vinh, khắc họa vẻ đẹp tinh thần của con người miền Nam từ những ngày đầu khi Đất Nước vẫn còn mịt mù bởi bụi khói của chiến tranh. 

Hò là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Tại vùng đất Nam Bộ, câu hò dường như đã trở thành món quà tinh thần vô giá và là niềm tự hào của con người nơi đây, nhất là đối với những thế hệ đi trước đã từng đồng hành cùng câu hò trên hành trình mưu sinh đầy khắc nghiệt.

Tùy theo đặc điểm của từng vùng, hò sẽ có những nét đặc trưng khác nhau như: hò Đồng Tháp, hò Bạc Liêu, hò Cần Thơ,…Và với các công việc trong lao động, chúng ta cũng có những thể loại hò khác nhau như: hò cấy lúa, hò giã gạo, hò chèo ghe, hò kéo lưới,..

Chương trình được bắt đầu với một món quà vô cùng quý giá đến từ phía thầy Trần Lý Anh Tuấn – Giám đốc FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ, mặc dù không thể có mặt tại sự kiện nhưng đích thân thầy đã dành thời gian để chuẩn bị và gửi tặng BTC dự án cũng như quý khán giả đến tham dự một đoạn video clip ngắn về hò do chính thầy trình bày.

Với giọng hò vô cùng ngọt ngào và truyền cảm, đi kèm theo đó là những lời nhắn nhủ và những chia sẻ vô cùng ý nghĩa dành cho “Điệu hò xứ Nam” và toàn thể khách mời cùng khán giả đến tham dự sự kiện.

Tiếp nối chương trình là phần trình diễn nghệ thuật Hò đầy đặc sắc và cũng chính là điểm nhấn nổi bật khắc họa rõ nét sự khác biệt và đặc trưng của “Điệu hò xứ Nam”. Phần trình diễn được mở đầu với những giai điệu mộc mạc đến từ phía nhạc công, khi tiếng đàn tranh khảy điệu du dương, hòa vào tiếng sáo, tiếng nhạc đệm theo. Câu slogan “Xứ Nam vang vọng tiếng hò – Người Nam bất khuất, sử hò mãi vang” được vang lên một cách hào hùng và mạnh mẽ báo hiệu cho phần trình diễn nghệ thuật đã chính thức bắt đầu.

Các diễn viên hò cũng chính là người dẫn dắt khán giả trong từng mạch cảm xúc từ các giai đoạn Khai Hoang – Son Sắt – Hòa Mình – Khải Hoàn. Từng thể loại hò được giới thiệu và thể hiện qua những chất giọng ngọt ngào bởi diễn viên hò Thùy Trang, Anh Duy, Hồng Toán và Phước Trân. Luân phiên vào đó là sự góp mặt của nhóm múa làm cho câu chuyện càng trở nên kịch tính và lôi cuốn hơn.

Hò Đồng Tháp, hò Cần Thơ, hò Chèo Ghe và Hò Cấy xuất hiện ở phần mở đầu trong hành trình “Khai hoang”. Con người lao động chân chất, lạc quan yêu đời, họ tảo tần với công việc và lấy câu hò làm điểm tựa tinh thần để hò cho nhau nghe, như cổ vũ, động viên nhau cùng hăng hái hoàn thành công việc. 

Ở các chương “Son Sắt”, “Hòa Mình” và “Khải Hoàn” là chuỗi giai đoạn khi các nhân vật gặp nhau và tạo nên câu chuyện tình yêu của họ qua những điệu hò. Bên cạnh đó, hò còn xuất hiện trong kháng chiến càng khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Ở giai đoạn “Son Sắt”, hò Đối Đáp được sử dụng để bày tỏ và thổ lộ tình cảm của hai nhân vật chính trước khi nhân vật nam ra chiến trường.

Giai đoạn “Hòa Mình”, hò Chèo Ghe lại tiếp tục xuất hiện một lần nữa khi người dân chở vũ khí cung cấp cho chiến tranh. Và cuối cùng ở giai đoạn “Khải Hoàn”, khi chiến thắng vang vọng khắp mọi nơi, mọi người nô nức đón người thân trở về, riêng cô gái thì đợi mãi chẳng thấy bóng dáng người thương, cô đã cất lên tiếng hò đầy nghẹn ngào, và hò Huê Tình đã được sử dụng. Phần trình diễn Hò kết thúc với tiết mục múa đầy sôi động với những bộ áo dài truyền thống đẹp mắt, ẩn dụ cho cái kết có hậu của hai nhân vật chính. 

Ở phần cuối chương trình, ban tổ chức “Điệu hò xứ Nam” cũng không quên gửi đến khán giả tham dự những món quà tri ân khi đã đến tham dự đêm trình diễn. 7 phần quà được trao cho 7 khán giả may mắn ngồi trên những chiếc ghế bất kỳ có dán logo của dự án. Tất cả các khán giả đều tỏ ra hào hứng và bất ngờ với phần mini game đầy ấn tượng và thú vị này. 

Để dự án có thể khép lại thành công như vậy, ban tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Nhà trường, Quý thầy cô, giảng viên ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện và Quý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự ủng hộ từ phía các nhà tài trợ như: Khô gà Poly, Black Pearl Marketing & Event, Đặc sản Bảy Núi và Media Crew Production. 

Dự án “Điệu hò xứ Nam” không chỉ là một buổi trình diễn nghệ thuật, mà đó còn là một cách để giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc, đặc biệt là câu câu hò. Đây cũng là cơ hội để mang các bạn trẻ đến gần hơn với những nét di sản văn hóa xưa cũ, để những nét đẹp tinh thần đáng quý ấy không bị mai một và vẫn mãi trường tồn theo thời gian. 

Giảng viên Lê Quang Triệu
Bộ môn Kinh tế
FPT Polytechnic Cần Thơ

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2025

  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.