Bên cạnh những giờ học mang tính chất truyền thống như việc giảng viên giảng bài và sinh viên ghi chép, giảng viên nên tổ chức những hoạt động thực hành bổ ích. Điều này vừa tạo nên bầu không khí sôi động cho buổi học, vừa giúp các bạn sinh viên ghi nhớ kiến thức một cách chủ động và mang tính ứng dụng cao. Hãy tìm hiểu một số hoạt động giảng dạy thú vị sau đây nhé!
Hoạt động từ vựng
“Đuôi này, đầu kia” – Word snake
Dụng cụ cần thiết: giấy và viết
Hình thức tham gia: Theo nhóm
Thời lượng: 10 – 20 phút tùy sự điều chỉnh của giảng viên và thời lượng giảng dạy của lớp học.
Cách chơi (hoặc ôn tập):
Giảng viên làm mẫu trước 1 từ và ví dụ 2 – 3 từ để chắc rằng sinh viên hiểu luật chơi và luật tính điểm của trò chơi.
Giảng viên ghi từ, gạch dưới chữ cái cuối cùng của từ và tạo một chữ mới được bắt đầu bằng chữ cái cuối cùng của chữ trước.
Cách thức tính điểm:
+ Dạng tự do: giảng viên cho 1 chữ, sinh viên sáng tạo từ mới từ từ cuối của chữ và cho thời gian cụ thể và các nhóm viết càng nhiều từ càng tốt. Mỗi từ đúng chỉnh tả và có nghĩa được 1 điểm.
+ Dạng có chọn lọc: giảng viên cho 1 chữ, sinh viên sáng tạo từ mới từ từ cuối của chữ nhưng cách thức tính điểm khó hơn, những từ liên quan đến chủ đề đã học cộng 3 điểm, khác chủ đề 2 điểm và sai chính tả nhưng bạn biết nghĩa cộng 1 điểm ( điều này khuyến khích sinh viên viết mà không sợ sai, sự cố gắng của cả nhóm ).
Mục đích của trò này là để sinh viên không bị áp lực trả bài, thích hợp cho các buổi đầu để sinh viên làm quen các bạn cùng nhóm và giảng viên cũng sẽ quan sát được năng lực làm việc nhóm của cá nhân, sự chủ động của các bạn khi làm việc nhóm và sự phản xạ tiếng Anh của mỗi người.
Lưu ý: Giảng viên nên cho các bạn tự chấm điểm để các bạn có thể biết nhiều từ hơn, sinh viên có sử dụng thiết bị di động tra từ mới hay không thì tùy mỗi giảng viên.
Hoạt động “Tạo từ mới”
Dụng cụ cần thiết: giấy và viết
Hình thức tham gia: Theo nhóm
Thời lượng: 10 – 20 phút tùy sự điều chỉnh của giảng viên và thời lượng giảng dạy của lớp học.
Cách chơi (hoặc ôn tập): Giảng viên viết 1 từ trên bảng, ví dụ chữ “hot” bên dưới, có 3 chữ cái cấu thành chữ “hot” thì sinh viên phải suy nghĩ và viết đủ 3 từ vựng bắt đầu bằng mỗi chữ cái trong từ đó.
Ví dụ: hot – horse onion table
Cách thức tính điểm:
+ Dạng tự do: Mỗi từ viết đúng chính tả và có nghĩa cộng 1 điểm
+ Dạng có chọn lọc: Từ được viết thuộc bài học đã học 3 điểm, khác bài học 2 điểm và sai chính tả nhưng biết nghĩa 1 điểm.
Ngoài ra, có thể thử thách nhóm viết trong 1 thời gian hạn định, hết thời gian nếu như chưa có đầy đủ từ mới thì không tính tất cả từ trong trang.
Mục đích của hoạt động này là để sinh viên ôn tập từ vựng, sáng tạo thêm nhiều từ mới, gắn kết các thành viên trong đội và không bị gánh nặng trả bài đầu giờ.
Hoạt động ngữ pháp
Tìm lỗi sai – Spot the mistakes
Dụng cụ cần thiết: giấy và viết hoặc cho sinh viên làm trên điện thoại/ máy tính
Hình thức tham gia: Theo cá nhân/ nhóm
Thời lượng: 10 – 20 phút tùy sự điều chỉnh của giảng viên và thời lượng giảng dạy của lớp học.
Cách chơi (hoặc ôn tập): Sinh viên áp dụng các công thức ngữ pháp đã học để tạo thành câu có nghĩa, nhưng các câu sinh viên đặt cần BỊ sai ngữ pháp để những bạn khác có nhiệm vụ “CHỈ” ra lỗi sai đó là gì và vì sao sai.
Cách thức tính điểm: Tùy giảng viên linh hoạt.
Mục đích của trò này là để sinh viên áp dụng các từ vựng và ngữ pháp vừa học, tạo nên các câu có nghĩa, học cách áp dụng và giải thích với người khác sao cho người ta hiểu. Sinh viên sẽ học mau hơn qua những lỗi sai. Đây cũng có thể là một hoạt động check out trước khi sinh viên ra về để giảng viên biết được sinh viên có nắm được nội dung bài hôm đó không.
Lưu ý: Nếu sinh viên chưa được ổn ngữ pháp, giảng viên cần làm ví dụ và hướng dẫn lại cấu trúc câu cho sinh viên.
Hoạt động nghe – đọc
Dụng cụ cần thiết: bài đọc và viết
Hình thức tham gia: Theo nhóm/ cá nhân
Thời lượng: 10 – 20 phút, tùy sự điều chỉnh của giảng viên và thời lượng giảng dạy của lớp học.
Cách chơi (hoặc ôn tập):
Giảng viên chuẩn bị một bài đọc liên quan đến bài học của lớp. Cho thời gian đọc trong vòng 3-5 phút tùy nội dung và độ dài của bài đọc. Ở bước này, tùy theo level lớp giảng viên có cho sử dụng điện thoại để tra các từ mới hay không. Sau thời gian quy định, giảng viên phổ biến luật chơi như sau:
Mỗi nhóm/ cá nhân sẽ đọc ½ câu bất kỳ trong đoạn văn (có thể là đoạn trước, đoạn giữ hoặc đoạn sau trong 1 câu). Nhiệm vụ của các bạn khác là nghe, và đọc lại cả câu đầy đủ (có thể cho bạn đọc xong và dịch nếu lớp có nền tảng tiếng Anh tốt). Có thể cho cả lớp đứng, sau khi đọc được thì ngồi xuống, để kiểm soát thời gian tốt hơn, cần đặt thời gian cụ thể cho hoạt động này.
Sau khi hoạt động trên diễn ra, giảng viên có thể cho một số câu hỏi liên quan đến bài hoặc yêu cầu nhóm tóm tắt lại nội dung chính của bài.
Cách thức tính điểm: Mỗi lần đọc – đáp đúng thì cả hai nhóm có điểm. Hoặc nhóm đọc – không có nhóm đoán được thì nhóm đọc có điểm ( tuy nhiên giảng viên cần đảm bảo nhóm đọc có ngữ âm khá ổn để không làm rối các nhóm khác )
Mục đích của trò này là khuyến khích các bạn nghe và đọc các từ dù chưa biết nghĩa. Rèn luyện kỹ năng Skimming đoạn văn và nắm bắt ý chính của bài.
Lưu ý: Hoạt động này có thể làm những bạn chưa có nền tiếng Anh ổn thấy không thú vị vì các đáp án tiềm năng đã được giành trả trước. Giảng viên có thể rút thăm bất kỳ hoặc thẻ bỏ lượt để chắc rằng các bạn khá giỏi giành hết đáp án
Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Nhiên
Bộ môn Cơ bản
FPT Polytechnic Cần Thơ