Vừa qua, các sinh viên FPT Polytechnic Cần Thơ đã hoàn thành dự án môn học Thiết kế hình ảnh với Illustrator học kỳ Summer 2024. Có rất nhiều tác phẩm nổi bật và tâm huyết, trong đó có thể kể đến “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Ngô Thị Ngân Hà và “Truyện cổ tích Tấm Cám” của Trần Anh Duy.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Ngô Thị Ngân Hà
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là một trong những cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách gợi nhớ về ký ức tuổi thơ hồn nhiên và đầy màu sắc, thôi thúc Hà thể hiện những cảm xúc này thông qua thiết kế bìa. Bìa sách là yếu tố đầu tiên thu hút độc giả, cô bạn mong muốn thử thách bản thân trong việc chuyển tải sự hồn nhiên, giản dị mà đầy sâu lắng của tác phẩm thông qua màu sắc và bố cục.
Quá trình thiết kế của Hà bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ nội dung sách và tìm cảm hứng từ các hình ảnh liên quan đến tuổi thơ. Cô bạn tập trung vào việc làm nổi bật chủ đề hồn nhiên và mơ mộng, đồng thời chú ý đến quy tắc luật xa gần và bố cục để tạo ra một bìa sách hài hòa.
Việc lựa chọn màu sắc tươi sáng cùng với cây cỏ, hoa lá và một nhân vật nằm thư giãn để tạo nên không gian trong lành và bình yên. Với sự hỗ trợ của bố cục hợp lý, Hà đã xây dựng thiết kế theo cách tạo cảm giác chiều sâu, như đưa người xem quay trở lại những ký ức tuổi thơ hồn nhiên.
Tuy nhiên, Hà đã gặp phải thách thức trong việc cân bằng giữa yếu tố thẩm mỹ và tính kỹ thuật, đặc biệt về bố cục đòi hỏi sự tỉ mỉ khi sắp xếp các yếu tố hình ảnh để tạo cảm giác chiều sâu mà vẫn giữ được bố cục rõ ràng. Qua nhiều lần thử nghiệm và điều chỉnh, Hà đã dần cải thiện kỹ năng sử dụng phần mềm và hoàn thiện thiết kế một cách tốt nhất.
Sau dự án, cô bạn nhận ra rằng, việc nắm vững các quy tắc thiết kế là vô cùng quan trọng để tạo ra một sản phẩm thẩm mỹ và hấp dẫn. Ngoài ra, việc kiên nhẫn không ngừng thử nghiệm cũng là chìa khóa để vượt qua những khó khăn ban đầu khi làm việc với phần mềm thiết kế. Dự án cũng giúp Hà hiểu sâu hơn về quy trình sáng tạo trong thiết kế đồ họa và trau dồi kỹ năng minh họa.
Giảng viên hướng dẫn Ngô Kiều Anh nhận xét: “Thiết kế bìa sách của Hà thể hiện được tinh thần sáng tạo và sự chú ý đến chi tiết. Bạn đã biết cách vận dụng các định luật và bố cục một cách hợp lý, giúp tạo ra một bìa sách không chỉ đẹp về mặt hình ảnh mà còn truyền tải được tinh thần của tác phẩm. Sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, hình ảnh và bố cục đã làm nên một thiết kế bìa ấn tượng”.
Truyện cổ tích Tấm Cám – Trần Anh Duy
“Tấm Cám” là một câu chuyện dân gian rất quen thuộc và mang đậm giá trị văn hóa của Việt Nam. Việc chọn đề tài này giúp Duy có cơ hội thể hiện kỹ năng trong việc thiết kế bìa cho thể loại truyện thiếu nhi, kết hợp màu sắc tươi sáng và hình ảnh sinh động để truyền tải câu chuyện một cách dễ hiểu và cuốn hút.
Quá trình thiết kế bắt đầu bằng việc phân tích kỹ nội dung câu chuyện và tìm cách thể hiện các nhân vật chính như Tấm, Cám và mụ dì ghẻ một cách rõ ràng, dễ nhận diện. Duy muốn tạo nên một bìa sách không chỉ nói lên được tinh thần dân gian mà còn thu hút được sự chú ý của đối tượng thiếu nhi thông qua các hình ảnh nhân vật vui nhộn.
Cậu bạn tập trung vào việc sắp xếp bố cục hợp lý, áp dụng luật xa gần để tạo cảm giác về chiều sâu và không gian. Các nhân vật được đặt ở vị trí khác nhau trong không gian để nhấn mạnh mối quan hệ giữa họ trong câu chuyện. Việc lựa chọn màu sắc tươi sáng như màu xanh của cỏ cây, màu đỏ của trang phục và các chi tiết nhỏ như con gà, cây cau cũng là yếu tố quan trọng để làm nổi bật sự sống động của bìa sách.
Trong quá trình thực hiện, Duy cũng gặp một số thách thức khi phải cân nhắc giữa việc đảm bảo sự hài hòa về màu sắc và hình ảnh mà không làm mất đi sự dễ hiểu của câu chuyện. Bạn đã dành nhiều thời gian để thử nghiệm các lựa chọn về màu sắc và bố cục khác nhau để tạo ra một thiết kế vừa đáp ứng yêu cầu mỹ thuật, vừa phù hợp với đối tượng độc giả trẻ.
Bên cạnh việc thiết kế hình ảnh, cậu bạn cũng quyết định tự thiết kế phần typo cho bìa sách nhằm đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với phong cách dân gian của câu chuyện. Sau khi tham khảo nhiều phong cách chữ, Duy đã chọn một kiểu chữ mềm mại nhưng vẫn có nét cứng cáp, gần gũi với đối tượng thiếu nhi.
Việc tạo ra một typo mang đậm dấu ấn cá nhân giúp bìa sách có sự hài hòa giữa phần hình ảnh và văn bản, từ đó tăng thêm tính thẩm mỹ cho toàn bộ thiết kế.
Qua dự án này, bạn đã học được cách áp dụng quy tắc thiết kế một cách hiệu quả để tạo ra chiều sâu cho thiết kế bìa sách. Bên cạnh đó, việc lựa chọn bố cục hợp lý và màu sắc phù hợp là vô cùng quan trọng trong việc thu hút độc giả, đặc biệt là đối với sách thiếu nhi.
Kiên trì và linh hoạt trong quá trình thử nghiệm các phương án khác nhau cũng giúp Duy hoàn thiện kỹ năng sử dụng phần mềm và phát triển khả năng sáng tạo.
Cô Ngô Kiều Anh cũng dành những lời khen cho sản phẩm của Duy: “Thiết kế bìa sách của Duy đã thể hiện rõ sự sáng tạo và khả năng vận dụng các quy tắc thiết kế đồ họa một cách thành thạo. Bạn đã áp dụng các nguyên tắc và bố cục hợp lý để tạo ra một sản phẩm hài hòa về mặt hình ảnh và truyền tải được tinh thần của câu chuyện. Thiết kế tươi sáng, thu hút và đầy tính thẩm mỹ, phù hợp với đối tượng độc giả thiếu nhi”.
Hai bạn sinh viên đã hoàn thành rất tốt dự án thiết kế bìa sách của mình và nhận được nhiều lời khen từ giảng viên hướng dẫn. Mong rằng, hai bạn sẽ luôn giữ vững đam mê và ngày càng thành công trong những dự án sắp tới.
Giảng viên Bùi Thị Tuyết Nhi
Bộ môn Thiết kế đồ hoạ
FPT Polytechnic Cần Thơ