Trong khuôn khổ môn học phần mềm Adobe After Effects, nhóm bạn sinh viên ngành Thiết kế đồ họa FPT Polytechnic TP HCM đã áp dụng các kỹ thuật dựng phim và tạo chuyển động hình ảnh, để gửi gắm những thông điệp và vai trò của hạt gạo nhỏ bé trong văn hoá người Việt. Những hình ảnh và màu sắc sinh động cùng chuyển cảnh mượt mà, đôi chỗ có phần ngô nghê nhưng chính là sự nỗ lực và cố gắng của nhóm sinh viên.
Dự án được thực hiện bởi ba bạn sinh viên Nguyễn Quốc Huy, Đỗ Uyên Khanh và Nguyễn Thị Ngọc Hân.
Nền văn minh lúa nước của Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, hình thành và phát triển dựa trên việc canh tác lúa gạo. Khởi nguồn từ các vùng đồng bằng, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, người Việt đã phát triển kỹ thuật canh tác lúa nước, tạo ra một nền tảng vững chắc cho đời sống và văn hóa của dân tộc.
Hạt gạo không chỉ là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và đời sống tinh thần của người Việt. Gạo được coi là “thần thánh”, tượng trưng cho sự no đủ, ấm no và phúc lộc. Trong nhiều lễ hội, nghi thức và phong tục tập quán, hạt gạo thường được sử dụng để thể hiện lòng biết ơn đối với đất đai và tổ tiên.
Ngoài ra, gạo còn gắn liền với các hoạt động văn hóa truyền thống như lễ cúng thần linh, đám cưới, lễ mừng thọ và các dịp lễ Tết. Trong tín ngưỡng dân gian, hạt gạo được xem như biểu tượng của sự sống, sinh sôi nảy nở. Người Việt cũng có nhiều câu ca dao, tục ngữ liên quan đến gạo, thể hiện sự kính trọng và tình yêu với hạt ngọc quý này.
Giảng viên Phạm Thanh Thuý An
Bộ môn Thiết kế đồ họa
FPT Polytechnic TP HCM