Đối với các học phần Tiếng Anh căn bản, một yêu cầu bắt buộc để các bạn Ong vượt vũ môn chính là hoàn thành bài thuyết trình sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh kéo dài 6-7 phút về một chủ đề đã học trong chương trình.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên “lùi bước” trước kì thi bởi tự ti với khả năng Tiếng Anh của mình. Nhưng, sự thật, giảng viên FPT Polytechnic tiết lộ dù chưa phải siêu sao Tiếng Anh, sinh viên vẫn có khả năng đạt được những điểm số cao, thuyết trình lưu loát, thoát khỏi chặng đường “chầy chật” qua môn khiến sinh viên e sợ.
Dưới đây là một số trường hợp điển hình kèm cách học để sinh viên tham khảo:
Chiến lược của bạn Trung Tín – ngành lập trình Web – lớp tiếng Anh 2.2: “Siêng năng” mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Là dân lập trình web, Trung Tín từng tâm sự rằng bạn không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với việc giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai. Tất cả thời gian hữu hạn bạn đều dành để tập trung mày mò, nghiên cứu những dòng code.
Áp dụng sự tập trung cao độ và tính kiên nhẫn khi thực hành chuyên ngành của mình, Tín đã áp dụng cách học này đối với việc chuẩn bị cho bài thuyết trình ở môn Tiếng Anh. Cụ thể, thay vì chỉ dồn sức học vào một vài đêm trước ngày đi thi, Tín đã dùng tuyệt chiêu “chia để trị” – bạn đã dành thời gian mỗi ngày để luyện nói tiếng Anh.
Cùng là một bài soạn, nhưng bạn đã dùng mọi cách khác nhau để thực hành, từ giai đoạn nhìn vào giấy cho đến tự mình gợi nhớ kiến thức, tự ghi âm để nghe đi nghe lại nhiều lần, tập nói trước gương.
Cách thực hành nhất quán, “mưa dầm thấm lâu” cùng với thái độ kiên trì đã dần dần cải thiện sự tự tin và sự trôi chảy của bạn. Đến buổi thi cuối cùng, bạn dường như không gặp khó khăn gì khi đã thuộc lòng từng mạch nội dung trong bài nói trước đó.
Chiến lược của bạn Thuý Kiều – ngành : Marketing and Sales – lớp Tiếng Anh 2-2 – Tận dụng sức mạnh của việc kể chuyện (storytelling)
Thuý Kiều vốn là ngôi sao sáng trong lớp học chuyên ngành Marketing and Sales. Vì tính cách hoạt bát, thích trò chuyện, kể chuyện và chia sẻ mọi mặt về cuộc sống, bạn sinh viên nổi bật tạo điểm nhấn trong lớp. Đối mặt với kì thi nói, Kiều tâm sự rằng bạn gặp khó khăn vì nội dung trong chương trình học lấy giáo trình của nước ngoài nên vẫn có nhiều khác biệt so với trải nghiệm sống của bản thân.
Để giải quyết cho vấn đề này, Kiều tập trung đưa vào những câu chuyện liên quan đến trải nghiệm cá nhân cho chủ đề nói. Ví dụ : Trong chương học về thói quen ăn uống, Kiều được khuyến khích nói về các chế độ ăn “xa lạ” như “Dukan”, “Atkins” và “Keto”, nữ sinh viên đã chọn kể chính câu chuyện bản thân đã thay đổi chế độ ăn ra sao khi bắt đầu thực hành ăn chay. Bạn quan niệm rằng khi bạn được chia sẻ những gì chân thật nhất về bản thân, bạn thấy mình “bớt lo lắng” và hào hứng, tự tin trước khi thuyết trình.
Chiến lược của bạn Trần Thanh Duy – ngành : Thiết kế đồ hoạ – lớp tiếng anh 2.2 – Sử dụng công cụ hỗ trợ trực quan
Trần Thanh Duy là một sinh viên tài năng của bộ môn thiết kế đồ hoạ. Với tư duy hình ảnh tốt, những sản phẩm thiết kế bao bì, logo của bạn không chỉ được ưa chuộng trong những môn học “cấp trường” mà còn nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp ở Sài Gòn.
Để chinh phục phần thi thuyết trình Tiếng Anh, Duy đã đầu tư thời gian vào việc tạo ra các slide powerpoint hỗ trợ thuyết trình rất chuyên nghiệp. Bài thuyết trình của bạn chứa nhiều biểu đồ, đồ thị và hình ảnh giúp truyền tải thông tin phức tạp một cách ngắn gọn và hiệu quả.
Trên đây là 3 cách vượt khó trong phần thi thuyết trình cuối môn mà sinh viên nhà F có thể tham khảo, vận dụng để thể hiện xuất sắc trong phần thuyết trình. Câu chuyện của 3 bạn sinh viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng điểm mạnh riêng của từng cá nhân để áp dụng cho phần thi thuyết trình. Những ví dụ trên cho thấy bài học lớn về việc tận năng khiếu bẩm sinh để áp dụng vào những khía cạnh của môn học khác.
Giảng viên Nguyễn Trường Dũng
Bộ môn cơ bản
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Cần Thơ