Trong khuôn khổ môn học “Luật xa gần và bố cục trong Thiết kế đồ họa”, các sinh viên FPT Polytechnic Cần Thơ đã không ngừng tạo ra những sản phẩm ấn tượng. Mới đây, hai bạn sinh viên Trần Thị Thúy Vi và Trần Thị Nga Việt đã hoàn thành xuất sắc các thiết kế bìa sách cho hai tác phẩm văn học nổi tiếng, thể hiện rõ tài năng và sự sáng tạo của mình.
“Tôi là BêTô”: Sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và nội dung
Trần Thị Thúy Vi, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, đã chọn thiết kế bìa sách cho tác phẩm “Tôi là BêTô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với hình ảnh chú chó BêTô ngây thơ cùng những dấu chân nhỏ nhắn trên nền cỏ xanh, bìa sách mới truyền tải một tính cách hồn nhiên, vui vẻ và tò mò của nhân vật chính. Từ đó, độc giả nhanh chóng cảm nhận được sự đáng yêu và trong sáng của BêTô ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Bên cạnh đó, typography của tiêu đề “Tôi là BêTô” cũng được cô bạn tự thiết kế theo phong cách vui nhộn, mềm mại, nhằm phản ánh tính cách tinh nghịch của BêTô. Để tên sách nổi bật nhưng không làm rối bố cục, Vi đã cân nhắc kỹ về kích thước và màu sắc sao cho hài hòa với các yếu tố khác của bìa.
Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm Thúy Vi cảm thấy việc tạo cảm giác dễ thương và phù hợp với tinh thần của tác phẩm là thách thức lớn nhất. Để đạt được điều này, cô bạn phải thử nghiệm nhiều lần với màu sắc và cách sắp xếp hình ảnh để bìa sách vừa bắt mắt, vừa giữ được vẻ đáng yêu và giản dị. Từ đó, dự án giúp Vi hiểu sâu hơn về việc vận dụng bố cục và cách phối hợp các yếu tố hình ảnh sao cho bìa sách nổi bật với đọc giả.
“Alice ở xứ sở thần tiên”: Một thế giới kỳ ảo được tái hiện sinh động trên bìa sách
Bạn Trần Thị Nga Việt lại chọn một tác phẩm kinh điển khác là “Alice ở xứ sở thần tiên” để thể hiện tài năng thiết kế của mình. Quá trình thiết kế của Việt bắt đầu bằng việc nghiên cứu hình ảnh và phong cách minh họa phù hợp với chủ đề cổ tích kỳ ảo của cuốn sách. Cô bạn đã chọn hình ảnh Alice đang rơi xuống hố, bao quanh là các biểu tượng đặc trưng như mèo Cheshire và cây nấm khổng lồ để nhấn mạnh bối cảnh huyền ảo của câu chuyện. Đồng thời, Việt sử dụng gam màu tối kết hợp với màu sáng nhấn mạnh vào Alice, tạo nên sự tương phản để thu hút ánh nhìn đọc giả.
Bước tiếp theo của việc thiết kế bìa là vẽ outline (phác thảo nét) cho từng yếu tố hình ảnh. Với nhân vật Alice, Việt tập trung vào việc thể hiện dáng rơi tự do của cô bé, tạo cảm giác chuyển động và phiêu lưu. Các chi tiết khác như mèo Cheshire và cây nấm được vẽ với nét mềm mại và uốn lượn để gợi nhớ đến thế giới kỳ ảo. Cô bạn cũng rất cân nhắc về độ dày và độ mịn của các đường outline để tạo sự hài hòa giữa các yếu tố và giữ cho hình ảnh tổng thể trông rõ nét nhưng không quá cứng nhắc.
Sau khi hoàn thiện outline, Việt tiếp tục đi màu và hoàn thiện các chi tiết, từ màu sắc chủ đạo cho đến việc đổ bóng và tạo chiều sâu. Mỗi chi tiết đều được chọn lựa màu sắc tỉ mỉ để vừa tôn lên nét kỳ bí của xứ sở thần tiên, vừa tạo sự nổi bật cho nhân vật Alice.
Cô bạn cho biết thử thách lớn nhất trong thiết kế này là cân bằng giữa việc tạo chiều sâu cho hình ảnh và duy trì sự tập trung vào nhân vật chính. Sau nhiều lần chỉnh sửa về màu sắc và bố cục, Việt đã tìm ra cách sắp xếp các yếu tố hình ảnh sao cho hài hòa và dẫn dắt ánh nhìn của người xem.
Cả hai dự án của Thúy Vi và Nga Việt được giảng viên đánh giá tốt về chất lượng. Những kiến thức và kỹ năng tích lũy được qua bài tập này sẽ là nền tảng quan trọng để các bạn tiếp tục phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo trong các dự án tiếp theo.
Giảng viên Bùi Thị Tuyết Nhi
Bộ môn Thiết kế đồ họa
FPT Polytechnic Cần Thơ