Vẽ nguệch ngoạc – Phương pháp không ngờ giúp học thuộc bài nhanh chóng

19:42 23/02/2024

Doodles hay Doodling là một phương pháp ghi nhớ khá “trending” trong thời gian gần đây. Tại sao nó lại được nhiều bạn sinh viên đánh giá là hiệu quả? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp học tập kỳ lạ này. 

Nhiều người cho rằng vở sạch, chữ đẹp mới giúp học tập tốt. Nhưng trên thực tế, dựa trên cá tính, thói quen, khả năng ghi nhớ nhanh hay chậm mà mỗi người sẽ có những biện pháp, cách thức rất riêng để hình thành cho mình những phương pháp học bài, ghi nhớ nhanh và hiệu quả.

Trong thời gian gần đây, các bạn trẻ thường xuyên truyền tai nhau về một phương pháp học tập đặc biệt, đó là Doodles hay Doodling (vẽ nguệch ngoạc).

Theo định nghĩa trích từ từ điển online của Oxford Learner Dictionary, Doodle /ˈduːdl/ được hiểu là một nét vẽ, một hình thù mà bạn vẽ ra trong lúc bạn cảm thấy buồn chán, hoặc trong lúc đang nghĩ về cái gì đó.

Phương pháp học Doodles là một biện pháp phân tán sự chú ý, giúp người học tiếp thu và ghi nhớ kiến thức thông qua việc vẽ những nét nguệch ngoạc. Bởi vì, khi cố gắng ghi nhớ một lượng kiến thức nhất định, thì con người có xu hướng dùng não trái nhiều hơn. Việc chỉ não trái hoạt động sẽ dễ khiến cơ thể dễ rơi vào lơ đãng và hiệu suất tập trung giảm dần. Trong lúc này, não phải sẽ “tự kiếm việc làm” bằng cách làm bạn mất tập trung thông qua việc suy nghĩ về những từ khác. 

Vì vậy, khi sử dụng phương pháp Doodling, bạn đã cung cấp một việc làm cho não phải, giúp hai bán cầu não làm việc hiệu quả hơn trong khi vẫn phối hợp nhịp nhàng. Từ đó, Doodling, giúp chúng ta tập trung lâu hơn và hiệu quả hơn.

Một số bước để bắt đầu sử dụng phương pháp Doodling bao gồm:

  • Bước 1: Chuẩn bị tài liệu học tập. Hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị sẵn các tài liệu, giáo trình, ghi chú, và thậm chí là các dụng cụ học tập sẵn sàng trước khi bắt đầu học bài. Việc chuẩn bị chu đáo sẽ cực kỳ hiệu quả vì bạn sẽ không phải bị gián đoạn trong quá trình học.
  • Bước 2: Chuẩn bị một hoặc một vài mảnh giấy và bút: Bạn có thể tái sử dụng giấy đã  dùng qua một mặt, các trang sách dở dang từ tập cũ, hoặc dùng hẳn một trang giấy mới sạch đẹp tùy theo sở thích và nhu cầu cá nhân. Sau đó, tiếp tục chuẩn bị một cây bút mà bạn ưa thích. Lưu ý, bút phải còn đủ mực để quá trình học không bị gián đoạn.
  • Bước 3: Bắt đầu học. Đọc bài, viết lại các từ khóa, vẽ sơ đồ tư duy, kẻ bảng, viết ý chính thành các gạch đầu dòng, hoặc học lý thuyết từ nguyên bản ban đầu – tùy theo sở thích và thói quen cá nhân. Song song đó, dùng tay trái để cầm bút và bắt đầu vẽ vào tờ giấy đã chuẩn bị sẵn. Các hình vẽ có thể liên quan tới nội dung kiến thức bạn đang học, hoặc nó có thể là những ảnh không liên quan nhưng được vẽ có chủ đích, hoặc thậm chí là những hình ảnh không có ý nghĩa, không có chủ đích.
  • Bước 4: Ôn tập. Mặc dù Doodling được xem là một cánh tay đắc lực trong việc hỗ trợ người học ghi nhớ nhanh hơn, nhưng việc trí nhớ ngắn hạn bị phai mờ là hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai, tại bất kỳ thời điểm nào. Vì vậy, bạn nhất định phải ôn tập lại nội dung đã học vào ít nhất hai thời điểm: (1) Sau khi vừa học xong, (2) một thời gian sau khi đã học xong.

Ngoài ra, để áp dụng Doodles hoặc Doodling hiệu quả, bạn cũng cần lưu ý việc đơn giản hóa vẽ vời để tập trung nhiều hơn cho bài học, và bạn hoàn toàn có thể sử dụng thêm màu sắc trong quá trình vẽ của mình.

Doodles đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho người học như giảm căng thẳng, từ đó gia tăng sự tập trung và hứng thú; cải thiện trí nhớ ngắn hạn hiệu quả khi được sử dụng đúng cách và thường xuyên; gia tăng óc sáng tạo hỗ trợ sự phát triển tư duy theo đường dài. Vì vậy, đây là một phương pháp rất đáng để thử nghiệm. 

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các chú ong chăm chỉ tại FPT Polytechnic áp dụng thành công phương pháp Doodles để việc học trở nên hiệu quả hơn!

Giảng viên Văng Thị Kim Anh
Bộ môn Cơ bản
FPT Polytechnic Cần Thơ

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2024

  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.