Ngày 23/09 vừa qua, tại FPT Polytechnic TP HCM, workshop nội bộ “2K6 – Hiểu và thương trong đào tạo” đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo của giảng viên, đặc biệt là các thầy/cô đang giảng dạy trực tiếp các môn nhập môn chuyên ngành. Đây là một hoạt động nội bộ đầy cảm hứng, nơi các thầy cô có cơ hội chia sẻ và học hỏi những phương pháp giảng dạy sáng tạo.
Workshop có sự tham gia dẫn dắt của Thầy Trần Vân Nam – Giám đốc FPT Polytechnic TP HCM, Cô Trần Thị Hường – Trưởng Ban Đào tạo FPT Polytechnic TP HCM, cùng các thầy cô chủ nhiệm bộ môn. Sự kết hợp chia sẻ giữa kinh nghiệm lâu năm và tư duy mới mẻ đã tạo nên một bầu không khí đầy cảm hứng và nhiệt huyết.
Một trong những hoạt động nổi bật của workshop là các phiên làm việc nhóm xen kẽ với những nội dung chia sẻ rất thực tế. Thầy cô được chia thành các nhóm nhỏ, cùng thảo luận và đưa ra những ý tưởng giảng dạy mới. Phương pháp Game-based Learning (học tập dựa trên trò chơi) được bàn luận sôi nổi.
Các nhóm đã cùng nhau chia sẻ các ý tưởng về các trò chơi đơn giản nhưng hiệu quả để áp dụng vào bài giảng, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên và thú vị.
Phương pháp Nano Learning cũng được đề cập như một giải pháp hiệu quả trong việc truyền tải kiến thức ngắn gọn, súc tích và phù hợp với đối tượng người học. Thầy cô đã cùng nhau đưa ra ý tưởng về cách tạo ra những bài học nhỏ, dễ hiểu, giúp các bạn sinh viên có thể nắm bắt thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Từ những hoạt động này, rất nhiều ý tưởng vận hành trong giờ học không chỉ đảm bảo chuyên môn mà còn tăng khả năng kết nối với Gen Z một cách thân thiện được thầy cô ghi nhận.
Trong phần chia sẻ cá nhân, nhiều thầy cô đã kể lại những câu chuyện thực tế từ quá trình giảng dạy của mình. Các tình huống khó xử trong lớp học được đưa ra thảo luận, đổng thời những giải pháp sáng tạo đã được đề xuất để giải quyết các vấn đề đó. “Thương mà không chiều” là một trong những phương pháp được quan tâm đặc biệt, giúp sinh viên vừa yêu thích học tập, vừa rèn luyện tinh thần tự giác.
Bên cạnh đó, thầy cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe và thấu hiểu sinh viên, đồng thời khuyến khích các bạn trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Cần chú ý đến việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng sinh viên, nhất là với Gen Z – những người cập nhật công nghệ thông tin nhanh chóng. Điều này tạo nên một môi trường học tập tích cực và thấu hiểu, giúp các bạn sinh viên hứng thú với việc học tập hơn.
Workshop “2K6 – Hiểu và thương trong đào tạo” đã khép lại thành công với nhiều kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ. Hy vọng, những phương pháp và trải nghiệm từ sự kiện sẽ giúp ích cho thầy cô trong công tác giảng dạy, đồng thời lan tỏa tinh thần “hiểu và thương” đến các bạn sinh viên.
Sự kiện không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là dịp để các thầy cô kết nối, tạo nên một cộng đồng giáo dục gắn kết và sáng tạo. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một môi trường học tập tích cực, nơi mà mỗi sinh viên đều được thấu hiểu và phát triển toàn diện!
Giảng viên Phan Thị Đài Trang
Bộ môn Thương mại điện tử
FPT Polytechnic TP HCM