FPT Polytechnic tổ chức thành công Tọa đàm Chiến lược giao tiếp trong lớp học Tiếng Anh

15:04 19/07/2021

Ngày 17/7 vừa qua, Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội đã tổ chức thành công buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chiến lược giao tiếp trong lớp học Tiếng Anh: Tiếp cận theo hướng tương tác”. Đây sự kiện do Bộ môn Tiếng Anh FPT Polytechnic Hà Nội phối hợp cùng Phòng Quản lý Khoa học & Hợp tác Quốc tế (Đại học FPT) cùng Khoa Quản trị và Nhân Văn (Đại học Công nghệ Petronas – Malaysia) đồng tổ chức.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến thầy và trò đều gặp phải khó khăn, thách thức trong việc dạy và học, việc thay đổi phương pháp giảng dạy, làm sao để sinh viên thu được nhiều lợi ích nhất là mối quan tâm của rất nhiều giảng viên không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi toàn cầu. Với chủ đề thiết thực, buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của hơn 50 giảng viên Tiếng Anh từ các cơ sở của trường Cao đẳng FPT Polytechnic trên cả nước tham gia.

Khai mạc buổi tọa đàm, thầy Vũ Chí Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ: “Hiện tại, Tiếng Anh đã và đang là một trong những ngôn ngữ phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên và người lao động, tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, việc giảng dạy tiếng Anh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần những sự thay đổi thiết thực. Buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô đến từ bộ môn Tiếng Anh vô cùng quý báu, đây là cơ hội để chúng ta đào sâu, cũng như hiểu hơn về những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả cao”.

2 diễn giả tham gia hội thảo: “Chiến lược giao tiếp trong lớp học Tiếng Anh: Tiếp cận theo hướng tương tác”.

Hai diễn giả của buổi tọa đàm là Tiến sĩ Subarna Sivapalan và Tiến sĩ Ena Bhattacharyya đã chia sẻ về những phương pháp giảng dạy hiện đã và đang được áp dụng trong việc dạy và học ngôn ngữ, đồng thời giới thiệu một số phương pháp thực tiễn để nâng cao tính hiệu quả khi giảng dạy Tiếng Anh.

Thầy Vũ Chí Thành hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều cơ hội tổ chức các buổi hội thảo mang tính học thuật, chuyên sâu nhằm xây dựng, nâng cao phương pháp giảng dạy, mang lại lợi ích tốt nhất cho sinh viên.

Thông qua tọa đàm, thầy Vũ Chí Thành nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để các giảng viên chia sẻ về thực trạng giảng dạy và học tập, cũng như các lỗ hổng trong lớp học Giao tiếp Tiếng Anh cơ bản, qua đó, cùng nhau xây dựng chiến lược thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của sinh viên trong các giờ học tiếp theo. Bên cạnh đó, giảng viên sẽ xây dựng những chiến lược học tập phù hợp, tích cực, áp dụng được ở FPT Polytechnic để tăng sự tương tác và tham gia của sinh viên vào lớp học Tiếng Anh giao tiếp cơ bản”.

Mọi cơ sở đào tạo Tiếng Anh trên thế giới đều gặp khó khăn

Mở đầu tọa đàm, TS Subarna Sivapalan nhận định, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, không chỉ bộ môn Tiếng Anh mà tất cả các môn học khác để phải chuyển qua hình thức học tập trực tuyến. Việc chuyển đổi hình thức học tập khiến giảng viên và sinh viên đều gặp phải những khó khăn, thử thách, chính vì vậy việc tổ chức lớp học trực tuyến có thể thu hút sinh viên, đồng thời, đảm bảo hiệu quả là yếu tố vô cùng quan trọng mà các giảng viên đều hướng tới.

TS Subarna Sivapalan nhận định về những khó khăn chung đối với công tác giảng dạy cũng như chia sẻ mục tiêu kỳ vọng sau buổi hội thảo.

Riêng đối với lớp học Tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng và sẽ đạt được kết quả tốt nhất khi thực hiện dưới dạng Face-to-Face, tuy nhiên, vì Covid-19, đây là điều không thể. Chính vì vậy giáo viên, giảng viên Tiếng Anh cần phải thay đổi phương thức giảng dạy, thậm chí là chương trình giảng dạy để có thể ‘giữ chân’ sinh viên cũng như đảm bảo tính hiệu quả khi giảng dạy trực tuyến.

Hiểu học sinh, sinh viên là ưu tiên hàng đầu

“Không ai mong muốn đến một lớp học khiến họ cảm thấy chán, buồn ngủ!” và lớp học online là một trong những ví dụ cụ thể khi có thể dễ dàng ‘gây mê’ nếu không có biện pháp giảng dạy và học tập thích hợp.

Thay vì ‘bắt buộc’ sinh viên phải ngồi trước màn hình để học và hoàn thành môn học, giảng viên nên giúp học sinh tự học, chủ động học bằng cách xây dựng mục tiêu, giải thích tại sao các em nên học cùng những lợi ích và cơ hội ở tương lai.

TS Subarna Sivapalan cho biết,mỗi sinh viên sẽ có phương pháp học tập khác nhau, giảng viên cần phân nhóm, lên bài giảng phù hợp để các bạn có thể tiếp thu nhanh chóng.

“Thời gian mỗi buổi học có hạn, tuy nhiên, chúng ta có thể dành ra 1 giờ/tuầnđể trao đổi, chia sẻ với sinh viên, từ đó hiểu sinh viên hơn, dễ dàng định hướng con đường học tập của sinh viên”, TS Subarna Sivapalan chia sẻ.

Để việc chia sẻ này đạt hiệu quả, việc xếp nhóm sinh viên theo từng trình độ cũng quan trọng không kém. Mỗi lớp sẽ cónhiều đối tượng ở trình độ khác nhau, do đó, tại những buổi học đầu, giảng viên nên lưu ý để có thể sắp xếp, phân nhóm sinh viên chophù hợp, tránh tình trạng dựa dẫm khiến việc học mất đi tính thực tiễn. Đồng thời, chúng ta nên xây dựng bài giảng kết hợp cùng các hoạt động nhóm, có tính cạnh tranh cao để mỗi sinh viên chủ động hơn trong mỗi chủ đề, bài học.

Bài giảng thực tế, giao tiếp 2 chiều, sinh viên là trung tâm

Cần khuyến khích các bài tập nhóm, TS Ena Bhattacharyya cho biết, thông qua hoạt động nhóm, sinh viên sẽ tập có ý thức trách nhiệm với nhóm, làm cùng nhau, giúp đỡ nhau để cùng giải quyết vấn đề và đạt được kết quả tốt nhất. Những bạn yếu hơn cũng sẽ học hỏi được thêm, thậm chí khơi dậy tinh thần học hỏi, chủ động học tập.

TS Ena Bhattacharyya

Đồng tình với những chia sẻ của 2 vị diễn giả, các giảng viên bộ môn Tiếng Anh tại Cao đẳng FPT Polytechnic cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy thời gian qua. Với phương chương trình giảng dạy và phương pháp dạy “Thực học – Thực nghiệp”, các giảng viên đã và đang tiếp tục cố gắng xây dựng lớp học ‘2-way communication’, lấy sinh viên làm trung tâm, giảng viên như người đồng hành cùng chia sẻ với sinh viên.

Cô Nguyễn Thị Phương Linh – Giảng viên bộ môn Tiếng Anh tại FPT Polytechnic Hà Nội cho biết: “Hiện nay, tôi và đồng nghiệp đều đang áp dụng mô hình bài tập, hoạt động nhóm trong mỗi buổi học online. Ví dụ, mỗi một hoạt động sẽ có chủ đề cụ thể, các bạn trong nhóm sẽ vào vai, thực hiện nhiệm vụ được trưởng nhóm giao và cùng nhau hoàn thiện bài tập trong khoảng thời gian nhất định. Đây là những hoạt động không chiếm quá nhiều thời gian, nhưng mang lại khá nhiều lợi ích, các bạn sinh viên dần chủ động hơn, phản xạ tiếng anh giao tiếp cũng dần được cải thiện. Tuy nhiên, tôi vẫn mong sẽ có những phương pháp hay hơn để thu hút sinh viên trong mỗi buổi học”.

Từ khó khăn khai phá tiềm năng

Không thể phủ nhận việc giảng dạy và học tập, đặc biệt đối với kỹ năng giao tiếng Anh sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới vì dịch bệnh, TS Subarna Sivapalan, TS Ena Bhattacharyya cùng gần 50 giảng viên Tiếng Anh của Cao đẳng FPT Polytechnic đã có rất nhiều chia sẻ, thậm chí vượt quá thời lượng chương trình hơn 1 giờ đồng hồ. Thông qua tọa đàm, các giảng viên đã phân tích sâu hơn về tâm lý sinh viên, cách thay đổi một số mô hình giảng dạy, loại hình bài tập và hoạt động để phù hợp với tình hình hiện tại.

Bên cạnh đó, các giảng viên tham dự đều nhất trí quan điểm “tất cả vì sinh viên” và hy vọng trong thời gian tới đây sẽ tổ chức thêm các buổi tọa đàm để cùng tháo gỡ khó khăn khác, tìm hướng đi đúng đắn để giúp các bạn học tiếng anh nói chung và sinh viên học Tiếng Anh tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic nói riêng có thể đạt được hiệu quả cao, kiến thức thực tế, trải nghiệm phong phú, kỹ năng thành thạo.

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2024

  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.
  • Max. file size: 50 MB.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *