Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí còn là ngành mới và khá lạ lẫm với nhiều bạn trẻ, nhưng đây cũng là ngành học hiện đang hot trong thời gian gần đây. Và Trần Thanh Tùng – một cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí khoá 12 sẽ có những chia sẻ rất thiết thực về ngành học này.
Chào Tùng, điều gì khiến bạn quyết định học ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí?
Từ ngày nhỏ mình đã thích ngành cơ khí, đã cảm thấy ngành cơ khí rất thú vị, đặc biệt khi xem TV thấy các chương trình truyền hình về ngành cơ khí và máy móc, mình đã say mê xem và mong muốn trong tương lai sẽ được làm việc với máy móc và được chế tạo các loại máy móc phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Vì thế sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình đã theo học tại trường Hitech (nay thuộc trường Cao đẳng FPT Polytechnic) và từ đó càng ngày càng đam mê với ngành này hơn.
Tùng có thể tóm tắt quãng thời gian sinh viên của mình bằng một từ được không?
“Đáng nhớ” – đó là những gì mình có thể tóm tắt được. Trường Cao đẳng FPT Polytechnic là một ngôi trường đào tạo ngành cơ khí tốt, các thầy cô luôn tận tâm với nghề và đã truyền dạy cho mình rất nhiều kiến thức không chỉ trong ngành mà còn cả kiến thức xã hội để mình có thể tự tin khi bước chân đi làm hơn. Chưa kể trường có đầy đủ cơ sở vật chất máy móc cho sinh viên được thực hành thường xuyên nên nhờ thế sinh viên không còn bỡ ngỡ sau khi ra trường.
Bạn có thể chia sẻ một chút về công việc của bạn hiện nay được không?
Từ khi ra trường cho đến bây giờ, mình đã gắn bó và trở thành thành viên của Công ty TNHH Cơ khí Tự động hoá và Thương mại Việt. Lúc đầu mình đi làm với tâm thế duy nhất là làm sao có thể nâng cao tay nghề một cách nhanh chóng nhưng trong suốt thời gian làm ở đây, mình nhận ra ngoài nâng cao tay nghề, một người nhân viên cơ khí giỏi là người có trách nhiệm với công việc, không ngại khó vì công việc của mình có khi cần đứng máy CNC khá lâu và đòi hỏi độ chuẩn xác cao thì mới đảm bảo chất lượng sản phẩm cơ khí.
Những thuận lợi và khó khăn nào Tùng có và gặp phải quá trình theo đuổi ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí?
Thuận lợi đầu tiên mình thấy là ngành cơ khí ở Việt Nam đang phát triển tốt và thường xuyên thiếu lao động chất lượng cao vì thế mình thấy rất dễ kiếm được công việc (cười). Thuận lợi thứ hai là nhờ thầy cô nhiệt tình và tâm huyết, mình có thể dễ dàng vận dụng tốt lý thuyết vào công việc hiện tại còn thuận lợi thứ ba thì hồi còn sinh viên, mình đã đi làm thêm rồi nên đã có sẵn kinh nghiệm đi làm hơn so với các bạn khác.
Khó khăn mình đối mặt cũng nhiều. Khó khăn nhất đó là tay nghề mình vẫn còn “non”, nhiều “ca” khó còn chưa biết xử lý nhưng mình luôn tâm niệm càng ở môi trường làm việc khó khăn thì mình càng phải tin bản thân làm được để có thể nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Tùng có thể bật mí chút về dự định tương lai của bản thân không?
(Cười) Dĩ nhiên mình mong mở vài công ty cơ khí để sản xuất máy móc phục vụ cuộc sống rồi.
Tùng có thể chia sẻ kinh nghiệm hay gửi đôi nhắn nhủ gì với các bạn sinh viên hiện đang theo học các nhóm ngành mà bạn cũng từng theo học nói riêng và các ngành học khác nói chung?
Theo mình ngành học nào cũng vậy, lý thuyết phải đi đôi với thực hành vì lý thuyết là nền tảng căn bản còn thực hành giúp chúng ta vận dụng tốt lý thuyết và nâng cao tay nghề. Để có thể thực hành được nhiều và khi ra trường không phải bỡ ngỡ trước công việc thì ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, các bạn nên làm thêm ở các công ty hay xí nghiệp. Ở đó chúng ta được tiếp cận các máy móc và các phần mềm tiên tiến nên tay nghề chúng ta sẽ được nâng cao hiệu quả và nhanh chóng.
Cảm ơn Tùng đã chia sẻ. Chúc Tùng ngày càng thành công hơn trong công việc!