Tương lai ngành PR & Tổ chức sự kiện sẽ ra sao? Sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic cần nắm chắc những yếu tố, thông tin gì để chuẩn bị cho những biến động hậu Covid-19?
Là Giảng viên chuyên ngành PR & Tổ chức sự kiện, đồng thời là Quản lý PR – Marketing tại Michia Communication, cô Vũ Vân Anh sẽ mang tới những lời khuyên, thông tin hữu ích về cơ hội phát triển nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành PR & Tổ chức sự kiện.
Trong bối cảnh hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã và đang có những tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội. Ngành PR & Tổ chức sự kiện cũng không phải là ngoại lệ, theo đó, tác động rõ ràng nhất của Covid-19 đến ngành này là sự thúc đẩy “chuyển đổi số” nhanh và mạnh hơn bao giờ hết. Digital PR, Online Virtual Event hiện đã trở nên quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp, tổ chức.
Có thể nói rằng, “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) vừa là thách thức, cũng vừa là cơ hội cho bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, bao gồm PR & Tổ chức sự kiện trong bối cảnh mới. Nhìn vào khía cạnh tích cực, nội dung số đa phương tiện (Digital Multimedia Content) như báo mạng, mạng xã hội, công nghệ Livestream đa nền tảng, tổ chức sự kiện ảo (Virtual Event), sự kiện lai (Hybrid Event) đã giúp cho người làm truyền thông, PR tiếp cận được công chúng, khách hàng còn đa dạng và gấp nhiều lần hơn trước đây. Chắc chắn, nội dung số đa phương tiên, livestream và sự kiện ảo là tương lai phá triển của ngành PR & Tổ chức sự kiện.
Theo cô Vũ Vân Anh, sinh viên chuyên ngành PR & Tổ chức sự kiện FPT Polytechnic Hà Nội sau khi ra trường, có thể tìm đến một số nhóm công việc, tác vụ phổ biến sau:
Nhân viên Sáng tạo nội dung:
- Sáng tạo nội dung đa hình thức trên website, blog, MXH
- Viết bài PR trên báo chí, các loại ấn phẩm truyền thông
- Viết kịch bản TVC, voice quảng cáo
- Viết kịch bản sự kiện
- Quản trị các kênh truyền thông
Nhân viên TCSK:
- Lên ý tưởng, lập kế hoạch tổ chức, kiểm soát sự kiện
- Quản trị danh mục các nhà cung cấp
Quản trị và phát triển thương hiệu:
- Tham gia sáng tạo, triển khai bộ nhận diện thương hiệu
- Lên ý tưởng, kế hoạch hoạt động quảng bá thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh doanh của thương hiệu
“Đây là 3 nhóm công việc mà tôi tin rằng các bạn sinh viên mới ra trường có thể bắt tay vào thực hiện ngay. Đồng thời đây cũng là nhóm công việc của các vị trí, chức danh công việc phổ biến liên quan đến PR – Marketing trên thị trường hiện nay: Nhân viên PR – Marketing, Nhân viên Truyền thông đối ngoại, Nhân viên Truyền thông nội bộ, v.v…”, cô Vũ Vân Anh cho biết thêm.
Khi đã có kinh nghiệm tích lũy qua 3 nhóm tác vụ này thì có thể tiếp quản nhóm công việc khác liên quan đến PR & Tổ chức sự kiện như: Quan hệ Báo chí, Xử lý Khủng hoảng, Quan hệ Cộng đồng/Cổ đông/ B2B…
Để hiểu hơn về lộ trình thăng tiến cùng những lời khuyên cho các bạn sinh viên, mời các bạn cùng theo dõi nội dung trả lời phỏng vấn của cô Vũ Vân Anh:
Lộ trình thăng tiến là một trong những vấn đề mà các bạn sinh viên hay người đi làm đều rất quan tâm, theo kinh nghiệm thực chiến nhiều năm, ngành PR & Tổ chức sự kiện sẽ có lộ trình thăng tiến ra sao, phát triển thế nào?
Giảng viên Vũ Vân Anh: Tương tự như những ngành khác, phụ thuộc vào quy mô, cấp bậc của doanh nghiệp, tổ chức; độ khó và yêu cầu trách nhiệm đối với công việc; và chí hướng phát triển sự nghiệp của từng cá nhân.
Thực tập (Intern)> NV Học việc (Apprentice)> PR Executive (Junior)> Senior PR Executive> PR Team Leader> PR Manager> PR Director> Founder & CEO of PR Agency
“Học ngành PR & Tổ chức sự kiện rất khó để tìm việc trong thời buổi hiện tại và tìm việc đúng chuyên ngành thì lại càng khó!”, cô Vũ Vân Anh nhận định như thế nào về quan điểm này?
Giảng viên Vũ Vân Anh: Tôi không đồng tình với quan điểm này vì thực tế, khi lên các trang tìm kiếm việc làm hay các hội nhóm trên Facebook về việc làm thì sẽ thấy, bên cạnh tuyển nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng thì công việc được tuyển dụng nhiều nhất chính là PR – Marketing.
Thực tế hơn nữa, trong những đợt bảo vệ dự án tốt nghiệp những năm gần đây, sinh viên chuyên ngành PR & Tổ chức sự kiện gần như đã đi làm trước khi bắt tay vào làm khóa luận tốt nghiệp. Bản thân tôi cũng thường xuyên nhận được lời nhờ vả giới thiệu nhân sự ngành PR – Marketing.
Thay vì nhận định là khó tìm việc, chúng ta có thể hiểu rằng, ngành PR có rất nhiều cơ hội thăng tiến, thu nhập, tuy nhiên, đi cùng với điều là tính cạnh tranh, đào thải cũng khá cao. Với hơn 11 năm trong ngành nghề này, tôi chưa thấy ai có thể trụ lại hay thành công được lâu bền mà chỉ nhờ vào may mắn, khôn lỏi. Đây là ngành nghề rất thú vị, hấp dẫn, vì thế, yêu cầu công việc cũng cao, đòi hỏi cao về việc chủ động hoàn thiện tố chất, năng lực, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp.
Ngay cả các chuyên gia PR hàng đầu nếu ngủ quên trên chiến thắng hay bảo thủ, không thích nghi kịp với thời cuộc đều có thể “tự đào thải” mình chứ không nói gì các bạn trẻ còn rất nhiều thời gian và trí lực để học hỏi, nâng cao bản thân mà chưa tận dụng hiệu quả.
Cô có lời khuyên nào dành cho những sinh viên đã và đang theo đuổi ngành Pr&Events?
Giảng viên Vũ Vân Anh: Là một người mà xuất phát điểm và từng bước thăng tiến trong nghề đều chủ yếu từ trải nghiệm thực tế thì tôi khuyên các bạn SV đã và đang theo đuổi ngành PR&Events như sau:
- Nghiên cứu kỹ các bài đăng tuyển dụng về ngành PR & Tổ chức sự kiện trên các trang tuyển dụng uy tín để nắm được thông tin rõ ràng, cụ thể về yêu cầu công việc thực tế và từ đó xác định rõ ràng kế hoạch hoàn thiện bản thân đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức
- Cần có bí quyết học tập, rèn luyện, làm việc hiệu quả.
Cảm ơn cô Vân Anh qua những lời chia sẻ đầy bổ ích, và những lời khuyên dành cho các bạn học sinh, sinh viên đã và đang theo đuổi ngành PR&Event. Chúc cô gặt hái được nhiều thành công trong công việc, cũng như trong con đường giảng dạy!